Niềm tin của NTD dành cho hàng Việt
Tại TPHCM, thị trường cuối năm nay hàng hóa có sự thay đổi về cơ cấu nguồn hàng. Rõ nét nhất là nhóm hàng bánh kẹo, mứt. Nếu như trước đây có khá nhiều loại bánh kẹo được nhập lậu đưa về các chợ, cửa hàng bán lẻ thì năm nay nguồn hàng này đã giảm. Chị Tuyết Thanh - tiểu thương chợ An Đông - cho biết: “Những năm trước, các tiểu thương, nhất là tiểu thương ở các tỉnh thường lấy hàng bánh, mứt, kẹo có xuất xứ Trung Quốc để kinh doanh dịp tết do giá rẻ, mẫu mã đẹp, đa dạng. Nhưng năm nay, do NTD quan tâm đến chất lượng, thương hiệu hơn là giá cả nên nhiều người chuyển sang chọn mua các sản phẩm bánh kẹo Việt có uy tín, thương hiệu”.
Là một trong những chợ bán buôn lớn cung ứng hàng các tỉnh phía bắc với hơn 2.000 hộ kinh doanh với 7 nhóm hàng, hiện nay tỉ lệ hàng Việt Nam tại chợ Đồng Xuân - Bắc Qua đã tăng lên đang kể, Tổng Giám đốc Cty cổ phần Đồng Xuân Đỗ Xuân Thủy cho biết: “Tỉ trọng hàng Việt tại chợ Đồng Xuân gia tăng đáng kể ở nhiều ngành hàng. Tỉ trọng hàng Trung Quốc giảm như mặt hàng vải sợi, may mặc trước chiếm hơn 80% nay hàng Việt chiếm khoảng 50 - 60%, hàng giày dép của Trung Quốc chỉ còn chiếm 30 - 40%, trong đó hàng Việt Nam tăng lên chiếm khoảng 60 - 70%”.
Khơi thông nguồn hàng để chiếm thị trường
Hệ thống phân phối hàng hóa hiện nay tại Việt Nam có tới 70% cung ứng tại chợ, các siêu thị, trung tâm thương mại chỉ chiếm phần nhất định. Vì vậy, hàng Việt Nam cần phải tiếp cận kênh phân phối này. Mặc dù NTD, tiểu thương đều muốn mua, bán hàng do các DN Việt Nam sản xuất, nhưng chính bà con tiểu thương còn đang băn khoăn tìm kiếm đầu vào nguồn hàng.
Trong khi hàng Trung Quốc tìm cách tiếp thị vào đến tại chợ, cho bà con tiểu thương lấy hàng gối đầu, nợ vốn... thì hàng Việt đã ít về số DN đưa hàng vào chợ, lại còn chưa có chính sách hỗ trợ bà con. Ông Nguyễn Ngọc Phan - kinh doanh thủ công mỹ nghệ tại chợ Đồng Xuân - chia sẻ: Hàng Việt Nam vào chợ phải cạnh tranh với hàng Trung Quốc và trong tương lai cả hàng hóa của các nước trong khu vực ASEAN.
Chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận bán hàng Việt Nam nhưng hàng Việt vào chợ chưa đạt được như mong muốn của bà con tiểu thương mặc dù tỉ lệ hàng Việt tại chợ Đồng Xuân ngày càng tăng lên. Nguyên nhân bởi hàng Việt Nam chưa có chiến lược dài hạn, chưa nắm bắt được tâm lý của NTD muốn gì, thích gì... Chúng tôi cũng mong được mua trực tiếp hàng do các nhà sản xuất Việt Nam thay vì các đại lý hoặc qua trung gian cấp 1, 2, 3.
Đơn cử, mặt hàng giày dép, Cty Thượng Đình đã tiếp thị hàng hóa tại chợ, nhưng DN yêu cầu mỗi lần lấy hàng phải từ 200 - 300 đôi, tiểu thương không có kho vì vậy nhiều tiểu thương tại chợ vẫn phải kinh doanh hàng Trung Quốc. Bà con tiểu thương cho hay, ít khi thấy DN may mặc Việt Nam tiếp thị, chào hàng tại chợ, dù muốn bán hàng Việt Nam nhưng lấy hàng ở đâu để bán. Vì vậy, theo tôi hàng Việt Nam muốn trụ trên sân nhà cần có một chính sách xuyên suốt từ sản xuất đến tiêu thụ.
Thực tế cho thấy ngoài yếu tố NTD, tiểu thương, thì chính DN Việt cũng phải tích cực tiếp thị sản phẩm. Nếu bản thân các DN không vào cuộc thì trong cuộc chiến với hàng ngoại, các DN Việt Nam vẫn “yếu thế ngay trên sân nhà”.
Theo Thu Hà - Mộng Thoa