Hàng Trung Quốc gỉa mác “Made in Vietnam”… “Tác hại khôn lường”

Theo TS Lê Đăng Doanh, hàng lậu Trung Quốc vào Việt Nam đã nguy hiểm nhưng hàng được sản xuất tại Trung Quốc gắn mác “Made in Vietnam” được nhập về Việt Nam để tiêu thụ hoặc xuất đi nước thứ 3 là “cực kỳ nguy hiểm” và có tác hại khôn lường đối với thương hiệu Việt.

Vài năm trở lại đây, cơ quan chức năng phát hiện và thu giữ nhiều vụ vận chuyển hàng lậu từ Trung Quốc sang Việt Nam có gắn mác "Made in Vietnam". Các mặt hàng bị bắt giữ lần này đa chủng loại từ quần áo, giày dép, túi xách, linh kiện điện tử, vải da, đến thiết bị xây dựng…

Sáng 14/1, tại Hà Nội cơ quan chức năng đã phát hiện, bắt giữ hơn 600 kiện hàng, 30 tấn vi phạm nhãn hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam. Theo ghi nhận tin toàn bộ số hàng trên được vận chuyển từ Móng Cái (Quảng Ninh) về Hà Nội, chuẩn bị đưa ra thị trường TPHCM, Đà Nẵng, Hà Nội… tiêu thụ. Các hàng được đóng thùng, bao bì có ghi chi chít chữ Trung Quốc. Tuy nhiên, khi bóc ra, một số mặt hàng có ghi Made in Viet Nam và các thương hiệu nổi tiếng.

Cũng thời gian gần đây, tại Lạng Sơn, các cơ quan chức năng đã dừng 4 xe tải trọng lượng lớn chở hàng hóa từ Trung Quốc về. Khi kiểm tra, rất nhiều sản phẩm như xe đạp, phụ tùng xe đạp điện không chỉ gắn mác Made in Viet Nam.

Cá biệt hơn, ngày 15/1 Công an Hà Nội đã bắt giữ vụ vàng giả Trung Quốc gắn mác Ý, Hàn Quốc số lượng 33,5 kg đang được các đối tượng đưa vào Việt Nam để tiêu thụ.

Hơn 33 kg "Vàng Trung Quốc" gắn mác giả của Ý, Hàn Quốc nhập lậu vào Việt Nam bị thu giữ

Theo đại diện của Cục Quản lý Xuất nhập khẩu và Cục Cạnh tranh - Bộ Công Thương, hiện tượng này đặc biệt nguy hiểm cho người tiêu dùng trong nước, kế đến là xuất khẩu. Người tiêu dùng không thể phân biệt được hàng giả gắn mác thương hiệu lớn so với hàng thật, chỉ trong quá trình sử dụng mới biết được hàng thật hay giả. Cách thức làm hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam nhằm hai mục đích là đánh lừa người tiêu dùng Việt Nam và xâm nhập, trà trộn vào hàng xuất khẩu của Việt Nam để xuất khẩu đi nước ngoài.

Theo Chuyên gia Phạm Chi Lan: "Lâu nay người tiêu dùng Việt Nam đã được cảnh báo khá nhiều về hàng giá rẻ Trung Quốc đối với sức khỏe nên nhiều người đã tẩy chay. Các đầu lậu, một số tư thương của Trung Quốc biết điều này và thay vì ghi nhãn mác Trung Quốc, họ đề là mác thương hiệu Việt Nam, được sản xuất tại Việt Nam"

Theo tìm hiểu, để diễn ra tình trạng hàng gắn mác giả, có sự tiếp tay của chính "người trong cuộc" là doanh nghiệp xuất khẩu nhỏ, lẻ dệt may, da giày. Một doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu lớn đã tiến hành đặt hàng từ các doanh nghiệp tư nhân nhỏ, các chủ xưởng may gia công. Lợi dụng chuỗi sản xuất này nên nhiều doanh nghiệp tư nhân, chủ xưởng không chỉ nhập nguyên phụ liệu mà còn nhập cả hàng nguyên chiếc của Trung Quốc về thay nhãn mác, thậm chí nếu nhập được hàng lậu có mác "made in Vietnam" từ Trung Quốc theo đúng mẫu mã, họ giao ngay cho doanh nghiệp đặt hàng để kịp tiến độ. Đây là một thực tế cần được báo động.

Thực tế trên về lâu dài sẽ có hệ lụy và những "tác hại ghê gớm" đối với thương hiệu cũng như sự phát triển bền vững của ngành hàng tại Việt Nam. TS Lê Đăng Doanh phân tích: "Hiện nay chúng ta đã ký được 8 FTA (Hiệp định thương mại tự do) với các đối tác, thuế quan tiến tới sẽ bằng 0 và các rào cản sẽ được xóa bỏ. Lợi thế giá rẻ của hàng hóa và chi phí sản xuất của Việt Nam là cực lớn mà nhiều nước mơ ước. Trong các FTA, kỳ vọng nhất của chúng ta là Hiệp định Thương mại Tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP) với 12 đối tác, trong đó Mỹ là thị trường được hứa hẹn nhất, lớn nhất. Đối với TPP, Trung Quốc không được Mỹ chào mời gia nhập nên hàng của Trung Quốc không được vào Mỹ với những lợi thế giá và sức cạnh tranh. Chính vì điều này mà 1 số nhà sản xuất Trung Quốc đã tính đến chuyện làm giả hàng Việt Nam từ ngay trong nước để xuất vào Việt Nam và xuất đi nước thứ 3".

Theo tìm hiểu, hiện một số doanh nghiệp của Hồng Kông, Đài Loan - Trung Quốc đã đầu tư tại Việt Nam một số nhà máy dệt may lớn tại Hải Dương, Nam Định, Hải Phòng nhằm đón đầu TPP dự kiến Việt Nam sẽ kết thúc đàm phán với Mỹ năm 2015. Có thể kể đến như Dự án giai đoạn 1 Nhà máy sản xuất sợi, dệt nhuộm và may mặc của Tập đoàn TAL (Hong Kong) tại Hải Dương 200 triệu USD tháng 10/2014. Cũng trong tháng 10/2014, Tập đoàn Haputex Development Limited (Hồng Kông) cùng đối tác Việt đầu tư 120 triệu USD xây dựng Công ty TNHH liên doanh Nam Phương Textile Limited sản xuất hàng may mặc. Trước đó, tháng 4/2014, tập đoàn Dệt may Yulun Giang Tô (Trung Quốc) được Nam Định cấp phép xây dựng nhà máy sản xuất sợi - dệt - nhuộm với số vốn 68 triệu USD.

Theo nhiều chuyên gia và người trong ngành, các cơ quan chức năng cũng như Vinatex (Hiệp hội Dệt may Việt Nam) cần "lưu ý" đến cơ chế nhập nguyên liệu cũng như kiểm định chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ hàng hóa của các nhà máy này nhằm tránh nguy cơ của cuộc đổ bộ hàng gắn mác "Made in Việt Nam" nhưng lại từ Trung Quốc.

Đại diện một doanh nghiệp kinh doanh đồ gốm mỹ nghệ cho biết: "Trong các điều khoản cam kết của các nước tham dự FTA song phương và đa phương, điều khoản về truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm được đặt lên hàng đầu để nhận được ưu đãi. Nếu khi phát hiện hàng hóa đó không được sản xuất tại Việt Nam hoặc nguyên liệu đầu vào không được nhập từ 1 nước thứ 3 (cho phép) thì các nước đối tác có quyền đặt các hàng rào kỹ thuật hoặc cấm nhập. Nếu một doanh nghiệp dính phải, thiệt hại về uy tín cho thương hiệu Việt sẽ là rất lớn nếu không nói bị tẩy chay vì gian lận".