Những mỏ dầu phát hiện một thập kỷ trước đang bắt đầu cạn kiệt. Các hãng khai thác phải cố gắng tiếp cận nơi xa xôi và khắc nghiệt hơn. Cùng với đó, chi phí sản xuất cũng tăng đáng kể, khi mà nguyên liệu thô và công nghệ mới cũng ngày càng đắt đỏ.
Triển vọng khai thác dầu càng trở nên mờ mịt, do giá đã giảm tới 40% trong 5 tháng qua, xuống quanh 70 USD một thùng. Trên toàn cầu, khoảng 800 dự án khai thác với năng suất 60 tỷ thùng và tổng mức đầu tư 500 tỷ USD đang chờ các công ty ra quyết định cuối cùng vào năm tới. Theo hãng tư vấn năng lượng Rystad Energy (Na Uy), một phần ba trong số dự án này khó có khả năng được thông qua khi giới phân tích dự đoán giá bình quân năm sau chỉ đạt 82,5 USD.
"Với giá 70 USD một thùng, một nửa số dầu sản xuất được sẽ gặp rủi ro", Per Magnus Nysveen - Giám đốc phân tích tại Rystad Energy nhận xét.
Nhiều dự án khai thác dầu có chi phí lên tới hàng chục tỷ USD. Ảnh: Bloomberg |
Khoảng một phần ba các dự án sẽ được quyết định số phận vào năm sau có thiết kế theo công nghệ mới - fracking (đưa hỗn hợp nước, cát và hóa chất vào đá phiến để ép dầu). Trong số đó, một nửa nằm ở Canada và Venezuela.
Dự án North Sea Rosebank của đại gia dầu mỏ Chevron cũng có tương lai rất u ám, giới phân tích cho biết. "Dự án này còn không đáng làm nếu giá dầu ở mốc 100 USD mỗi thùng. Vì thế, với mức giá hiện tại, khả năng cao là họ sẽ không thực hiện", Bertrand Hodée - nhà nghiên cứu tại Raymond James cho biết.
Chi phí khai thác nơi đây vào khoảng 10 tỷ USD, trữ lượng đạt khoảng 300 triệu thùng. Hodée cho biết bất kỳ dự án khai thác ngoài khơi nào có chi phí trên 30 USD mỗi thùng đều sẽ phải được cân nhắc trong bối cảnh giá dầu hiện tại.
Và kể cả nếu giá lên 120 USD, lời lãi của một số dự án cũng vẫn còn phải nghi ngờ, do chi phí khai thác tăng cao những năm gần đây. Rosebank của Chevron đã bị trì hoãn vài năm qua. Trên Reuters, hãng cho biết vẫn đang đánh giá về tiềm lực kinh tế của dự án và còn quá sớm để kết luận.
Công ty Statoil của Na Uy tuần này cũng đã hoãn một dự án cho đến tháng 10 năm sau. Họ dự định đầu tư 5,74 tỷ USD vào mỏ dầu Snorre ở biển Na Uy.
Các mỏ dầu mới cần 4-5 năm để khai thác và tiêu tốn hàng tỷ USD trước khi sản xuất được mẻ đầu tiên. Vì vậy, bất kỳ sự cắt giảm sản lượng nào cũng đều có hại với các công ty quốc tế vốn đang đau đầu tìm cách thay thế nguồn dự trữ đang cạn kiệt. Nó cũng sẽ khiến nguồn cung bị thắt chặt cho đến cuối thập kỷ.
Các dự án ở Canada, vốn cần nhiều tiền đầu tư và công nghệ khai thác phức tạp, có khả năng bị dừng cao nhất. Total gần đây đã quyết định hoãn dự án Joslyn ở Alberta (Canada) có chi phí dự kiến 11 tỷ USD.
Dự án khí hóa lỏng của Shell tại nước này cũng đang chịu sức ép do nguồn cung tăng cao và giá giảm. Theo Citi, Shell chỉ hòa vốn khi giá dầu lên 80 USD một thùng.
Kể cả ở Vịnh Mexico - một trong những khu vực khai thác hấp dẫn nhất thế giới, các dự án cũng đang gặp nhiều khó khăn. BP năm ngoái đã ngừng giai đoạn 2 của dự án khai thác nước sâu Mad Dog tại đây, sau khi chi phí vận hành lên tới 20 tỷ USD. "BP từng rất lạc quan về khả năng phục hồi sản xuất, nhưng giờ có lẽ họ lại quyết định hoãn thôi", Iain Reid - nhà phân tích tại BMO Capital Markets cho biết.
Giếng dầu Johan Castberg của Statoil dự định hoạt động năm 2015. Nhưng với chi phí ước tính 16-19 tỷ USD, việc này cũng khó có khả năng thành hiện thực, Hodée nhận xét. Trong khi đó, chi phí khai thác mỏ Johan Sverdrup của hãng đã được dự kiến lên tới 32,5 tỷ USD.