Hàng Thái "lấn sân"

Khảo sát của chúng tôi trên thị trường Đà Nẵng, hàng Thái Lan có mặt gần như hầu hết ở các hệ thống phân phối, trung tâm mua sắm, các cửa hàng, các chợ, thậm chí các trang mua sắm trực tuyến trên mạng.

Trái cây Thái Lan "tung hoành" tại các chợ Đà Nẵng. Trong ảnh:Bán trái cây tại chợ Đầu Mối.

Tràn ngập hàng Thái

Tại các chợ, cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn TP, nhiều loại trái cây như bòn bon, măng cụt, nhãn, xoài, chôm chôm có xuất xứ từ Thái Lan rất dồi dào và được đông đảo người tiêu dùng lựa chọn. Anh Dũng, chủ ki-ốt kinh doanh trái cây Lan Dũng chợ Đầu Mối cho biết "số lượng trái cây Thái Lan chiếm một tỷ lệ lớn trong tất cả các mặt hàng mà các tiểu thương tại chợ nhập về bán từ cửa khẩu Lao Bảo".

* Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Đà Nẵngchia sẻ, hàng hóa Thái Lan vào Việt Nam đặt ra một thách thức lớn đối với DN trong nước nói chung và các DN Đà Nẵng nói riêng. Một số mặt hàng Thái có chất lượng cao, ổn định họ sẽ nhanh chiếm lĩnh thị phần. Khi thuế quan của nhiều mặt hàng của các nước trong khối ASEAN về 0% vào năm 2015. Lúc ấy, DN Việt không chỉ lo hàng Thái mà phải đề phòng với cả hàng của Malaysia, Indonesia... ông Lý cho hay.

* Ông Lê Viết Tươi, PGĐ Sở Công Thươngnhận định, khi hiệp định thương mại ASEAN có hiệu lực sự xâm nhập ồ ạt của hàng các nước trong cộng đồng ASEAN, đặc biệt là hàng Thái Lan là điều cần lo lắng, bởi ngoài mẫu mã, bao bì đẹp, với chất lượng và giá cả cạnh tranh, hàng Thái sẽ dễ chiếm lĩnh thị trường trong nước. Do đó, các DN Đà Nẵng cần nhanh chóng cải tiến chất lượng, dịch vụ để không bị lép vế trước hàng hóa tràn vào từ các nước ASEAN...

Nhãn, bòn bon, chôm chôm Thái Lan vẫn được người mua ưa chuộng hơn vì mẫu mã đẹp, vị ngọt đậm đà, mặc dù giá bán có cao hơn so với trái cây miền Tây. Đáng nói là, các loại trái cây trên nhiều năm nay thuộc thế mạnh của Việt Nam nhưng nay lại nhường chỗ cho hàng Thái Lan.

Thực tế, trong những tháng gần đây tại bất kỳ cửa hàng tạp hóa nào, người tiêu dùng đều dễ dàng thấy ngay những mặt hàng xuất xứ từ Thái Lan. Thông dụng nhất là mì ăn liền, cá thu sốt cà đóng hộp, đặc biệt là mỹ phẩm, hóa mỹ phẩm như kem đánh răng, dầu gội đầu, kem dưỡng da...

Chị Trần Thị Lê, chủ siêu thị mini Tư Lê (đường Lê Sát, Q.Hải Châu) cho biết thời gian gần đây người tiêu dùng quen dần với hàng Thái, họ chọn mua các sản phẩm như: kem đánh răng ông Tây đen, các loại dầu gội đầu, nước giặt xả Aro, trái cây ép khô... khá nhiều. "Hơn nữa, mỗi ngày đều có nhà phân phối đến mời chào kinh doanh hàng Thái Lan nên chúng tôi quyết định mở rộng kinh doanh thêm hàng Thái Lan tại siêu thị và doanh số bán hàng Thái Lan ở đây liên tục tăng mỗi tháng...".

Tại các Hội chợ triển lãm gần đây tổ chức tại Đà Nẵng, các DN Thái Lan cũng đăng ký mở nhiều gian hàng hơn, thậm chí họ còn trưng bảng hiệu tìm đại lý phân phối tại Đà Nẵng. Trên các trang mạng việc mua bán hàng Thái Lan cũng đang nở rộ, chỉ cần vào thanh công cụ tìm kiếm Google gõ hàng Thái Lan tại Đà Nẵng lập tức hàng trăm địa chỉ bán hàng online xuất hiện với đầy đủ chủng loại, giá cả...

Sự phủ sóng của hàng Thái Lan tạo thêm cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn, song DN trong nước đang đứng trước nguy cơ giảm dần thị phần và nguy hiểm hơn là phụ thuộc Thái Lan.

Hàng Thái được bày bán và treo bảng tìm đại lý tại Hội chợ công nghiệp và thương mại vừa được tổ chức tại Đà Nẵng.

Tuồn vào đường tiểu ngạch

Hàng Thái Lan đã xâm nhập thị trường Việt Nam bằng nhiều đường nhưng không thể phủ nhận thực trạng hàng Thái Lan đang thâm nhập qua đường tiểu ngạch để tránh thuế đang diễn ra khá phổ biến. Thực tế, một số mặt hàng Thái hiện diện trên thị trường Đà Nẵng đến thời điểm này đều không có nhãn phụ hướng dẫn sự dụng bằng tiếng Việt, mà hoàn toàn bằng tiếng Thái và một vài thông tin bằng tiếng Anh (chủ yếu là mỹ phẩm, hóa mỹ phẩm).

Tại một điểm chuyên kinh doanh sỉ - lẻ hàng Thái trên địa bàn Q.Sơn Trà có tới hàng trăm mặt hàng thuộc những nhóm chính là: quần áo, mỹ phẩm, hóa mỹ phẩm, thực phẩm và đồ gia dụng được nhập về dưới dạng phi thuế.

Bà chủ tên H. cho biết, cùng một thương hiệu nhưng hàng Thái Lan thường có tiêu chuẩn chất lượng cao hơn hàng Việt, nếu nhập về đường chính ngạch thì giá chắc chắn cao hơn hàng Việt sẽ khó bán nên bằng mọi cách phải nhập về bằng đường phi thuế quan mới cạnh tranh được trên thị trường.

Tìm hiểu một đầu mối chuyên bỏ sỉ các mặt hàng Thái Lan khác trên địa bàn Q.Hải Châu, đa số sản phẩm đều có có nhãn phụ hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt do chính chủ cửa hàng đánh máy in ra rồi dán lên sản phẩm nhưng lại không có tem nhập khẩu... Khi được thắc mắc về chất lượng sản phẩm, chị V. chủ cửa hàng khẳng định đây là "hàng Thái xịn" được xách tay về nên không phải lo lắng về chất lượng...

Sự góp mặt của hàng Thái làm thị trường tiêu dùng trở nên sống động hơn, người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn. Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng cần cân nhắc kỹ khi mua hàng Thái. Bởi bên cạnh hàng hóa được nhập khẩu chính ngạch thì hiện có một số lượng không ít hàng từ Thái Lan được nhập lậu vào Đà Nẵng theo đường tiểu ngạch chất lượng không được kiểm soát.

Xuân Đương