Hàng hóa đứng im, cước giảm “nhỏ giọt”

Giá xăng dầu giảm mạnh, nhưng giá hàng hóa tiêu dùng và cước vận tải vẫn chây ỳ tiếp tục là vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận. Người tiêu dùng bức xúc, nhưng doanh nghiệp viện đủ lý do để không giảm giá.


Theo các chuyên gia thương mại, khi kinh tế khó khăn, hàng hóa tiêu thụ chậm thì việc chủ động giảm giá là cơ hội để các doanh nghiệp kích cầu cuối năm. Tuy nhiên, về phía các cơ quan chức năng cũng cần có sự quyết liệt hơn.
Bà Nguyễn Thị Nhạn, ngõ 402 phố Bạch Mai (Hà Nội) cho biết: Giá các loại thực phẩm không có nhiều thay đổi so với thời điểm quý IV/2014. Giá thịt bò vẫn ở mức 170.000 - 200.000 đồng/kg, thịt rọi, thịt thăn 100.000 đồng/kg, gà ta từ 100.000 - 120.000 đồng/kg, trứng vịt vẫn ở mức 35.000 đồng/chục, trứng gà 37.000- 40.000 đồng/chục. Dịp Tết Dương lịch, giá nhiều loại rau, củ quả có giảm nhẹ khoảng 10- 20% nhưng đến nay đã tăng trở lại.

Sẽ nêu rõ những bất hợp lý nếu doanh nghiêp vận tải không giảm cước.


Chị Nguyễn Thị Mùi, quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết: "Nhiều tháng qua, giá xăng dầu giảm nhiều nhưng các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm không thấy giảm chút nào, thậm chí có mặt hàng tăng giá. Người bán ở chợ thì nói do đầu mối không giảm thì họ cũng không thể nào giảm và cho rằng, giá rau, củ liên quan đến thời tiết chứ không như những mặt hàng khác".

Tại một số siêu thị lớn như: Big C, Coop mart, Intimex, giá hàng hóa cũng không giảm. Siêu thị cho biết: Nguyên nhân do có tới 90% hàng hóa là ký gửi của nhà cung cấp, 10% hàng hóa còn lại do các siêu thị tự thu mua. Siêu thị chỉ hưởng hoa hồng trên giá bán, việc thỏa thuận giảm giá rất khó khăn.

Đại diện Tổng cục Thống kê cho biết: Tháng 12/2014, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính thì có nhóm giao thông giảm 3,09%, nhóm hàng hóa vẫn tiếp tục tăng là hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,08%. Không ít người dân than thở: Mức chi tiêu trong gia đình vẫn tăng dù kế hoạch mua, bán vẫn như cũ. Giá thực phẩm, trái cây, các loại dịch vụ ăn uống, trông xe, rửa xe hay đi xe "ôm" không hề giảm.

Đại diện Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết: Sau lần giá xăng giảm kỷ lục ngày 22/12/2014 tới hơn 2.000 đồng/lít tại Hà Nội mới có 6 hãng taxi Mai Linh, Thanh Nga, Tiến Thành, Anh Ngọc, Xuân Thành, Hoàng Gia và 4 doanh nghiệp vận tải khách Hòa Bình, Thăng Long, Lạc Đà, Hồng Hà tiếp tục giảm giá cước theo giá xăng. Còn lại hầu hết các doanh nghiệp mới chỉ đăng ký giảm cước. Nếu so với số hơn 110 hãng taxi và hàng trăm doanh nghiệp vận tải khách thì số doanh nghiệp vì quyền lợi người tiêu dùng này còn quá nhỏ.

Còn phía Hiệp hội vận tải (HHVT) Hà Nội cho hay: Tính đến thời điểm này, đã có 69 doanh nghiệp taxi kê khai giảm giá từ 500 - 1.000 đồng/km, tương ứng giảm từ 4 - 9% so với trước. Mức giảm này thấp hơn nhiều so với mức giảm giá xăng dầu. Vì chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 25 - 35% (xe chạy xăng) và khoảng 35 - 45% (xe chạy dầu) giá cước vận tải. Ví dụ giá cước của một hãng taxi là 12.000 đồng/kg, bao gồm khoảng 4.200 đồng là tiền xăng dầu. Như vậy, taxi phải giảm 1.200 - 1.300 đồng/km (10 - 11%) thì mới phù hợp.

Lúng túng trong quản lý

Ông Nguyễn Mạnh Hùng- Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS):

Giá cả thị trường là thước đo hiệu quả của công tác quản lý

Các nhà quản lý cần vào cuộc tìm hiểu, phân tích kỹ xem lý do doanh nghiệp chậm điều chỉnh giá; lợi nhuận thu được của doanh nghiệp là bao nhiêu để người tiêu dùng hình dung được quyền lợi của họ bị ảnh hưởng đến đâu. Qua hiện tượng giá cả thị trường không bình thường trong thời gian qua, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tôi cho rằng, các công cụ quản lý thị trường, giá cả cần phải phát huy hữu hiệu để loại bỏ những hành vi tăng, giảm giá bất hợp lý (giảm quá ít hoặc quá chậm).

Hàng hóa được vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước nhưng khi cơ chế thị trường chưa phát triển đầy đủ, rất cần có những công cụ quản lý tốt để kiến tạo một thị trường lành mạnh. Đối với người tiêu dùng, giá cả thị trường là thước đo hiệu quả của công tác quản lý.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng: Đối với một số lĩnh vực, chi phí vận chuyển chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ. Do vậy, giá xăng giảm không ảnh hưởng quá nhiều đến giá cả nguồn hàng hóa, thực phẩm. Đơn cử, tại Công ty TNHH Vissan, giá xăng giảm không ảnh hưởng nhiều đến giá cả nguồn thực phẩm do chi phí vận chuyển chỉ chiếm 0,1% tổng chi phí.

Vì vậy, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú cho rằng: Rất nhiều lần giá xăng giảm nhưng hàng tiêu dùng vẫn không giảm theo. Đây là nghịch lý và không thể đổ lỗi cho thị trường. "Chúng ta yếu ở khâu phân phối và khâu quản lý. Hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước về giá chưa đủ mạnh, thực hiện công tác bình ổn giá, xây dựng và quản lý hệ thống phân phối vẫn chưa quyết liệt", ông Phú bức xúc nói.

Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, ông Lê Quốc Phương - Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp Thương mại (Bộ Công Thương) trăn trở: "Đã từ nhiều năm nay, câu chuyện yếu kém trong hệ thống phân phối, bán lẻ hàng hóa của Việt Nam đã được đưa ra họp bàn rất nhiều nhưng vẫn chưa có những giải pháp thực sự hiệu quả. Giá thành sản xuất của sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng phải qua rất nhiều kênh bán hàng khác nhau khiến chi phí đội lên nhiều".

Đối với lĩnh vực giao thông, nhiều chuyên gia trong ngành lại cho rằng: Đặc thù của ngành là có hàng nghìn doanh nghiệp nên rất khó để kiểm soát và quản lý giá chặt chẽ. Do đó, sẽ khó có thể có chuyện hôm nay giảm giá xăng, ngày mai giảm giá cước vận tải, mà luôn phải có độ trễ. Những lần giảm giá xăng vừa qua là do sức ép dư luận lớn, tạo nên áp lực kiểm tra cho các cơ quan quản lý nên doanh nghiệp vận tải đã giảm. Còn thực tế, giá cước vận tải ô tô đã được Nhà nước cho phép vận hành theo cơ chế thị trường nên việc dùng các biện pháp hành chính để buộc giảm giá cũng khó khả thi, nhiều doanh nghiệp không tự giác giảm giá.

Theo lãnh đạo Tập đoàn Mai Linh, từ tháng 7/2014 đến nay, trong khi doanh nghiệp đã nhiều lần điều chỉnh giảm giá cước ở mức 8 -10% thì không ít doanh nghiệp vẫn "chây ì" hoặc giảm "nhỏ giọt" ở mức 2 - 5%. Điều này, khiến doanh nghiệp bị thiệt hại. Giám đốc Công ty Vận tải Hoàng Hà, Hoàng Quang Ngọc cho biết: Trước đây, một chuyến xe 50 tấn chạy Hà Nội - Hải Phòng, công ty thu cước 7 triệu đồng, trừ các chi phí dọc đường, xăng xe, còn 2 triệu đồng trả lương lái xe, khấu hao sửa chữa và tích lũy. Từ khi siết tải trọng xe, mỗi chuyến xe như vậy chỉ thu về được 5,5 triệu đồng, nên phải du di các khoản để duy trì hoạt động. Mặc dù giá xăng đã giảm, nhưng chỉ khiến doanh nghiệp "dễ thở" hơn, chứ giảm giá cước theo thì lấy thu không đủ bù chi.