Hai nhóm hàng khiến nhập siêu quay lại

Ông Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) trả lời phỏng vấn Báo Hải quan xung quanh câu chuyện nhập siêu của Việt Nam.

Trong 3 năm liền, Việt Nam duy trì được trạng thái xuất siêu, đặc biệt năm 2014 xuất siêu lên tới 2 tỷ USD. Nguyên nhân nào giúp cho Việt Nam thặng dự thương mại?

Nền kinh tế Việt Nam nhập siêu kinh niên, tăng mạnh từ 1,2 tỷ USD vào năm 2000 lên 18 tỷ USD vào năm 2008. Đặc biệt, nhập siêu của Việt Nam tăng mạnh từ khi gia nhập WTO (năm 2007).

Hầu hết các nước trong quá trình công nghiệp hóa thì sẽ phải NK lớn. Việt Nam là nước đang phát triển và đang trong quá trình công nghiệp hóa nên cũng không ngoại lệ. Đây là nguyên nhân đầu tiên khiến cho Việt Nam luôn trong tình trạng nhập siêu. Bên cạnh đó, Việt Nam chủ yếu XK nguyên liệu thô (nông, lâm, thủy sản, dầu thô…) và các sản phẩm công nghiệp nhưng dưới dạng gia công trong khi NK máy móc thiết bị công nghệ giá cao. Thêm nữa, ngành công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển nên phải NK nguyên phụ liệu cho các ngành sản xuất như dệt may, da giày, điện thoại di động…

Tuy nhiên, từ 2012 đến 2014 là 3 năm kinh tế khó khăn nhưng chúng ta lại xuất siêu. Vì sao lại như vậy? Trên thực tế, từ năm 2011, Việt Nam bắt đầu chính sách kiềm chế lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô khi lạm phát tăng cao, các chỉ số kinh tế (nhập siêu, tỷ giá, lãi suất…) bất ổn. Chính sách kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô đạt được kết quả tốt nhưng đổi lại nền kinh tế phải trả giá, tức tổng cầu đầu tư, tổng cầu tiêu dùng giảm dẫn tới NK giảm. Trong khi đó, mấy năm qua, XK của Việt Nam lại tăng nên Việt Nam đã xuất siêu trong 3 năm qua.

Con số xuất siêu của chúng ta trong 3 năm qua liệu đã bền vững?

Tôi khẳng định, xuất siêu của Việt Nam trong 3 năm qua chưa bền vững bởi nếu xuất siêu bền vững thì phải do sản xuất trong nước phát triển mạnh, XK luôn nhiều hơn NK trong lúc nền kinh tế phát triển mạnh. Nhưng nền kinh tế chuyển sang xuất siêu chủ yếu do tác động phụ của chính sách kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. XK tăng nhưng do thêm mặt hàng chứ không phải do đẩy mạnh sản xuất. Hơn nữa, xuất siêu trong 3 năm qua chủ yếu là công của DN FDI, khối DN trong nước vẫn nhập siêu. Ví dụ như 2014, DN FDI xuất siêu 17 tỷ USD thì DN trong nước nhập siêu đến 15 tỷ USD. Đây cũng là yếu tố thiếu bền vững bởi nếu DN FDI chuyển sang nhập siêu hoặc giảm xuất siêu thì Việt Nam lại rơi vào tình trạng nhập siêu. Có thể thấy, chúng ta đang quá phụ thuộc vào DN FDI.

Năm 2015, Bộ Công Thương dự báo xuất siêu sẽ bị ngắt nhịp bởi nhập siêu sẽ quay lại. Theo ông những mặt hàng nào có khả năng tạo ra nhập siêu trong năm 2015?

Năm 2015, Việt Nam đã kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Hàn Quốc, Liên minh Hải quan và khả năng sẽ kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Với TPP đòi hỏi xuất xứ hàng hóa cao với quy tắc xuất xứ "từ sợi trở đi". Do vậy, không chỉ năm 2014 mà năm 2015, dòng vốn FDI sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam để đầu tư vào sản xuất nguyên phụ liệu nhằm đón đầu các FTA. Sự đầu tư của DN FDI vào lĩnh vực dệt may là dẫn chứng khá điển hình. Khi họ đầu tư vào thì NK máy móc thiết bị sẽ tăng lên khá lớn. Bên cạnh đó, kinh tế Việt Nam sau 4 năm khó khăn đến cuối 2014 có dấu hiệu khởi sắc nên niềm tin kinh doanh tăng lên. Khi đó, xu hướng mở rộng đầu tư của DN trong nước cho sản xuất, kinh doanh cũng tăng lên. Như vậy, nhóm mặt hàng máy móc, thiết bị sẽ là mặt hàng đầu tiên làm cho nhập siêu quay trở lại.

Mặt khác, nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi nên tổng cầu tiêu dùng tăng dẫn tới việc NK hàng tiêu dùng cũng tăng lên. Năm 2014 dù nền kinh tế còn khó khăn nhưng lượng hàng xa xỉ, hàng tiêu dùng vẫn đang được NK nhiều về Việt Nam, nhất là sự NK ồ ạt trở lại của các dòng xe sang cũng góp phần không nhỏ trong việc làm hao hụt ngoại tệ của nền kinh tế. Theo đó, lượng ô tô NK trong năm 2014 đạt 1,59 tỷ USD. Ngoài việc hàng rào thuế quan giảm khiến lượng ô tô NK về tăng còn có lý do nhu cầu tiêu dùng tăng. Cùng với ô tô, mặt hàng điện thoại di động, các loại máy tính, linh kiện điện tử nhập về cũng tăng đáng kể. Khi niềm tin tiêu dùng tăng lên, xu hướng sử dụng hàng xa xỉ còn tiếp tục tăng trong năm 2015. Đây là nhóm mặt hàng thứ 2 tạo ra nhập siêu.

Bộ Công Thương có giải pháp gì để kiềm chế nhập siêu?

Gia tăng giá trị XK bằng cách dịch chuyển hàng nguyên liệu thô và sản phẩm gia công XK sang chế biến sâu và hàm lượng công nghệ cao hơn. Để làm được việc này phải phát triển công nghiệp hỗ trợ, giảm NK nguyên phụ liệu và linh kiện. Thêm nữa, cần đề ra biện pháp kiểm soát NK một cách hợp lý và không vi phạm quy định của WTO. Trong bối cảnh mở cửa thị trường, giảm thuế quan, chúng ta phải áp dụng biện pháp phi thuế quan như thực hiện các tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, hiện nay những khâu này của Việt Nam rất yếu. Nguyên nhân là do chúng ta đề ra những tiêu chuẩn kỹ thuật để áp dụng với hàng hóa NK cũng như hàng trong nước nhưng chính DN trong nước lại không đáp ứng được.

Hiện máy móc, thiết bị chiếm tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu NK vậy tại sao Bộ Công Thương vẫn chủ yếu tập trung vào nhóm hàng xa xỉ, thưa ông?

Hiện nay, hàng hóa NK chia làm 3 nhóm: Hàng cần NK, hàng cần kiểm soát NK, hàng cần hạn chế NK. Nhóm hàng cần NK chiếm tới 87% tổng kim ngạch NK, trong khi đó, 2 nhóm hàng còn lại chỉ chiếm khoảng 13%. Xét về tỷ trọng, 2 nhóm này không lớn nhưng nếu tính ra con số tuyệt đối thì không nhỏ. Ví dụ năm 2014, tổng kim ngạch NK là 150 tỷ USD thì nhóm cũng lên tới 15-18 tỷ USD. Riêng ô tô, Việt Nam đã NK tới 1,5 tỷ USD. Do vậy, nhóm hàng này vẫn phải kiểm soát NK.

Xin cảm ơn ông!