Hà Tĩnh: Ớt mất mùa, doanh nghiệp bỏ chạy, dân chịu "cay"

Sau khi vụ trồng ớt thí điểm tại xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) thất thu. Nông dân bỏ ớt chết đứng ngoài đồng bởi doanh nghiệp thu mua im tiếng, rồi tìm cách chuồn.

Trả lời phóng viên Infonet ông Nguyễn Công Vương, Trưởng phòng phát triển nguyên liệu IQF, Công ty CP đầu tư phát triển nông nghiệp Napaga (thuộc Công ty thực phẩm Nghệ An) cho biết, doanh nghiệp đầu tư kinh doanh, không ai mong muốn thất bại. Vụ trồng ớt thất bại tại xã Phương Mỹ là ngoài mong muốn. 

 Hà Tĩnh: Ớt mất mùa, doanh nghiệp bỏ chạy, dân chịu

Vụ ớt đó, chúng tôi mất trắng, lỗ tiền tỷ!

"Đến lúc này, qua đánh giá lại quy trình trồng ớt, tôi khẳng định ớt mất mùa là do chậm công tác triển khai vụ mùa. Đó là nguyên nhân chính ớt nhiễm sâu bệnh, rồi không đậu quả. Đó là chưa nói đến thời điểm tháng 3,4,5 thời tiết tại Phương Mỹ rất nắng nóng lên tới 420C" – ông Vương trình bày nguyên nhân ớt mất mùa.

 Hà Tĩnh: Ớt mất mùa, doanh nghiệp bỏ chạy, dân chịu

Ớt mất mùa, dân bỏ ớt ngoài đồng (ảnh: Trương Hoa)

Đối với chính quyền dù không muốn nói ra, nhưng thất bại “trắng” về trồng ớt vụ đầu tiên đã mất điểm trong lòng dân. Người dân phản ứng gay gắt, cho rằng việc thay đổi giống cây trồng chưa phù hợp tại vùng “rốn lũ” này. Nhiều người đặt câu hỏi: Tại sao giai đoạn ớt phát triển thì rất xanh tốt, nhưng đến khi ra quả thì rụng hết, phải chăng do địa chất? Một khi chưa đánh giá đầy đủ mọi yếu tố, khâu công tác, tại sao chính quyền đã vội vàng bắt tay ký kết chuyển đổi giống cây trồng với doanh nghiệp?

Khi thất bại, dân là người chịu hậu quả. Vừa phải nhường đất để trồng ớt, bỏ đi cây lạc, ngô rồi công sức chăm bón vất vả hơn 3 tháng. Đến khi được ít quả ớt đậu trái, hái bán cho doanh nghiệp thì bị chê lên, chê xuống, nào ớt xấu, ớt không đạt chuẩn, không xuất khẩu được và cuối cùng là đi đến ép giá mua vào.

 Hà Tĩnh: Ớt mất mùa, doanh nghiệp bỏ chạy, dân chịu

Ngay từ đầu khi chuyển đổi cây trồng từ lạc sang ớt, người dân đã phản ứng gay gắt (ảnh: Trương Hoa)

Theo tìm hiểu của phóng viên Infonet và phản ánh của nhiều người dân xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê, đến hiện tại, sau hơn một tháng, số tiền bán ớt ít ỏi nhưng doanh nghiệp vẫn chưa hoàn trả cho dân. Trong khi đó, người dân vẫn buộc phải trả tiền phân bón, thuốc trừ sâu, tiền giống. Mọi khó khăn lúc này, đổ hết lên người dân nghèo.

Ngay lúc này, câu khẳng định cuối cùng của doanh nghiệp là vụ sau sẽ bỏ trồng ớt. Trừ khi chính quyền đáp ứng các yêu cầu như: Quy hoạch tập trung, có điều kiện hạ tầng tốt, dân đồng thuận đổi đất để tổ hợp tác trực tiếp canh tác, chính quyền đảm bảo tốt về chính sách …thì doanh nghiệp sẽ trồng tiếp ớt vụ hai.

Như Infonet đã thông tin ngày 28/6 qua bài viết “Cay đắng vì trồng ớt cho doanh nghiệp” phản ánh xung quanh việc Công ty CP đầu tư phát triển nông nghiệp Napaga (thuộc Công ty thực phẩm Nghệ An) đứng ra ký hợp đồng, bao tiêu sản phẩm, nhưng ngay vụ đầu đã thất bại. Ớt đến thời điểm ra quả thì rụng đầy gốc do nhiễm sâu bệnh. Đến ngày thu hoạch, doanh nghiệp “kén cá, chọn canh” chê ớt xấu, thu mua giá thành quá thấp. Nhiều hộ dân quá “uất” mà bỏ mặc ớt ngoài đồng, không thu hoạch.