GS. Võ Tòng Xuân: Phải nhập khẩu đường để thay đổi tư duy DN Việt

Trao đổi với Một Thế Giới, GS. Võ Tòng Xuân cho rằng, không sớm thì muộn cũng phải bỏ việc bảo hộ ngành mía đường, cho nên bỏ luôn bây giờ là tốt nhất. Bên cạnh đó, cũng nên cho phép nhập khẩu đường để thay đổi tư duy của doanh nghiệp mía đường hiện nay.

Liên quan đến việc bảo hộ hay không , Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp - GS.TS Võ Tòng Xuân về vấn đề này.

Hiện nay đang có nhiều tranh luận xoay quanh việc có nên bỏ cơ chế bảo hộ mía đường trong nước hay không? Theo lập luận của Hiệp hội mía đường thì không nên và không thể. Vậy quan điểm của GS về vấn đề này như thế nào?

Nếu chúng ta không bỏ bảo hộ thì trong vòng 4 năm nữa chúng ta cũng phải bỏ. Vì thế bây giờ chúng ta phải tập bỏ dần dần bảo hộ để chúng ta có thể thích nghi với việc cạnh tranh với đường nước ngoài trong môi trường không có bảo hộ trong tương lai. Trước mắt, chúng ta phải hạ được giá thành sản xuất cây mía của mình và nâng cao hiệu quả của các nhà máy đường để có được hiệu suất cao nhất.

Ở nước ta, chi phí sản xuất 1 tấn mía lên đến 45-55 USD trong khi ở Thái Lan chỉ 30 USD, của Hoàng Anh Gia Lai tại Lào chỉ từ 25-30USD. Chi phí sản xuất cao môt phần vì nông dân chưa nắm được kĩ thuật tiên tiến, năng suất trung bình cả nước chỉ đạt hơn 60 tấn/ha, trữ đường cũng dưới 10.

Tất nhiên ở một số vùng nguyên liệu, nông dân trồng mía vẫn đạt năng suất trên 100 tấn/ha nhưng số này quá ít ỏi, chưa phổ biến. Các nhà máy đường cũng chưa thể giúp cho nông dân nâng cao năng suất cây mía.

Vì vậy chúng ta nên bỏ bảo hộ, tất nhiên là bỏ từ từ. Các nhà máy đường cũng cần phải sống, nên chúng ta cũng cần phải có lộ trình. Bên cạnh đó chúng ta cần phải tái cấu trúc lại ngành mía đường, tập trung đầu tư cho khoa học kĩ thuật về giống, cách chăm bón một cách bài bản.

Không thể nào cứ nói chung chung, khuyến cáo chung chung dẫn đến người nông dân làm không đúng, vẫn tốn nhiều phân, nhiều thuốc nhưng trữ đường vẫn thấp.

GS-Vo-Tong-Xua-phai-nhap-khau-duong-de-thay-doi-tu-duy-DN-Viet-hinh-anh-1
GS.TS Võ Tòng Xuân
Hiệp hội mía đường lại cho rằng, bảo hộ ngành mía đường chính là bảo hộ người nông dân trồng mía, phải đứng trên góc độ, lợi ích của người nông dân. Ông nghĩ sao về điều này?

Trong mấy chục năm nay thì điều đó là đúng. Vì bảo hộ chủ yếu là bảo hộ giá, để cho nông dân của mình có thể sống được. Nếu không bảo hộ thì ta phải có sức cạnh tranh nhưng những năm vừa qua năng lực cạnh tranh của ta chưa đủ.

Tuy là được bảo hộ nhưng thực tế nông dân trồng mía vẫn không có lãi. Nông dân được bán mía với giá cao nhưng chi phí đầu vào cũng khá cao, cao hơn nhiều nước khác. Tôi thấy trồng mía còn không hiệu quả bằng trồng khoai mì (sắn).

Sâu xa hơn thì có thể phân tích thành 3 khía cạnh. Thứ nhất là phải có kĩ thuật nông nghiệp cao để nông dân có thể hạ giá thành. Bộ Nông nghiệp cũng chưa có nghiên cứu cơ bản trên từng loại đất, từng điều kiện khí hậu sẽ phù hợp với giống mía nào, cách thức bón phân ra sao… Cái đó người nông dân còn chưa được biết.

Nhà máy đường chưa hỗ trợ gì về kĩ thuật cho nông dân, dường như chỉ có hỗ trợ, ứng trước tài chính để mua sắm nguyên liệu, phân bón.

Thứ hai nữa là nông dân trồng mía manh mún, không có kĩ thuật, hiểu biết về thị trường dẫn đến chi phí sản xuất mía cao.

Thứ ba là chính sách cho cây mía còn nhiều bất cập, mới chỉ mới có chính sách bảo hộ chứ những chính sách liên quan chưa có nhiều đột phá. Ta chưa quy hoạch được vùng trồng mía nên nông dân muốn trồng gì thì trồng.

Hiện nay chúng ta cũng chưa tập hợp được người dân lại để thành lập các hội trồng mía, thành cánh đồng lớn để cơ giới hóa sản xuất…

Vậy theo ông, việc xóa bỏ bảo hộ ngành mía đường và cho phép nhập khẩu đường sẽ thu lại những lợi ích gì?

Vấn đề này đã có nhiều chuyên gia lên tiếng phân tích nên tôi cũng không nói lại nữa, chỉ bổ sung thêm một vài điểm. Khi chúng ta cho phép nhập khẩu đường sẽ đặt các doanh nghiệp mía đường trước áp lực cạnh tranh khi giá đường xuống thấp.

Điều đó buộc các doanh nghiệp phải vận động, đầu tư khoa học kĩ thuật, đầu tư nghiên cứu giống cây mới, buộc phải quan tâm người dân trồng mía hơn nữa để phát triển vùng nguyên liệu.

Nếu cứ bảo hộ mãi thì doanh nghiệp sẽ không thực hiện việc đầu tư cần thiết để nâng cao chất lượng, năng suất cây mía và đời sống người dân tiếp tục khó khăn như trước.

Rất nhiều nông dân chặt cây mía trồng cây khác là bài học nhãn tiền. Chắc chắn rằng, cho nhập đường thì tư duy về cây mía của doanh nghiệp cũng sẽ khác trước đây.

Xin cảm ơn ông!