Năm 2013, ngân hàng JP Morgan Chase đã đứng đầu trong top 10 ngân hàng có doanh thu nhiều nhất từ kinh doanh các hàng hóa chính. Tuy nhiên, ngân hàng này đã xuống vị trí thứ 2 trong năm 2014, còn vị trí thứ 3 thuộc về Morgan Stanley.
Thứ hạng của JP Morgan Chase giảm sau khi ngân hàng đã bán mảng kinh doanh hàng hóa cho Mercuria Energy Group Ltd vào năm 2014.
JPMorgan, Barclays Plc, Deutsche Bank AG và Morgan Stanley đã rút lui khỏi hoặc giảm quy mô hoạt động của mảng kinh doanh hàng hóa. Điều này xảy ra do những quy định ngày càng chặt chẽ trong lĩnh vực trên cũng như áp lực ngày càng lớn từ các nhà hoạch định chính sách.
Chỉ số các hàng hóa chính của Bloomberg (The Bloomberg Commodity Index) đã giảm 17% trong năm 2014 do giá dầu giảm. Đây đã là năm giảm thứ 4 liên tiếp.
Việc tăng cường hoạt động trên thị trường năng lượng đã giúp các ngân hàng lớn nhất kiếm được nhiều tiền hơn trên thị trường hàng hóa trong năm ngoái. Lợi nhuận của các ngân hàng này đã tăng 9% lên 4,9 tỷ USD năm 2014.
Ngân hàng JP Morgan Chase tiếp tục cung cấp những dịch vụ và sản phẩm liên quan đến hàng hóa, bao gồm các nghiệp vụ tài chính và môi giới. Ngân hàng này thường cạnh tranh vị trí số 1 với Citigroup về đầu tư trái phiếu, kinh doanh tiền tệ và hàng hóa. Đứng ở vị trí thứ 3 thường là Deutsche Bank.
Thành viên của Hội đồng Điều hành Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Daniel Tarullo đã đặt ra nghi vấn về việc các ngân hàng như Goldman Sachs và Morgan Stanley có nên được phép kinh doanh hàng hóa hay không, vì những nghiệp vụ này sẽ gia tăng rủi ro cho ngành ngân hàng truyền thống của họ.
Morgan Stanley hiện đang tìm cách bán mảng kinh doanh dầu mỏ sau khi bị chính phủ Mỹ bác bỏ thương vụ này với tập đoàn Rosneft của Nga. Ngân hàng Goldman Sachs đã bán mảng kinh doanh kim loại năm 2014 do tác động từ Nghị viện Mỹ khi họ cho rằng ngân hàng này có thể thao túng giá Aluminum bằng cách hạn chế nguồn cung ra thị trường.