Góc khuất của xuất khẩu xi măng

Ngành xi măng đang hoan hỉ với thành tích xuất khẩu, có khả năng đạt 21 triệu tấn, để lọt vào câu lạc bộ tỷ USD. Liệu đây có phải là "cửa thoát hiểm" cho ngành xi măng.

Việt Nam đã trở thành nước đứng đầu trong khối ASEANvề sản xuất xi măng
Ngành xi măng đưa ra con số ước lượng đã thu được 1 tỷ USD từ việc xuất khẩu xi măng. Tức là trọn năm 2014, ngành xuất khẩu được 20-21 triệu tấn tăng 15% so với năm 2013. Kết thúc tháng 11, ngành này đã hoàn thành được 80% các con số ước lượng. Cập nhật qua dữ liệu của Tổng cục Hải quan: 11 tháng đầu năm ngành này đã xuất khẩu được 18,8 triệu tấn xi măng và clinker với giá trị quy đổi khoảng 850 triệu USD.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Thế Lập, Trưởng phòng Truyền thông Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem) cho biết, công suất thiết kế của ngành xi măng đã chạm mức 75 triệu tấn. Trong khi đó, tiêu thụ nội địa, tính ở mức cực đại chỉ đạt 50 triệu tấn. Cũng theo ông Lập, các doanh nghiệp tìm mọi cách để gia tăng xuất khẩu. Và quan trọng hơn, ít nhất trong 3 năm tới vẫn phải duy trì xuất khẩu.
Có thể thấy, 4 năm trở lại đây, ngành xi măng tự nhận, tìm cách tự tồn tại bằng cách đứng trên hai chân. Một chân tiêu thụ nội địa, một chân xuất khẩu.
Lần giở lại hành trình tìm đường xuất ngoại của xi măng Việt Nam cho thấy, từ tháng 8 năm 2010, 3 doanh nghiệp sản xuất xi măng: Phúc Sơn ở Hải Dương, Nghi Sơn ở Thanh Hoá, Chinfon Hải Phòng được bật đèn xanh để xuất khẩu từ 100.000 tấn đến 150.000 tấn xi măng/năm. Đó được coi là mở đường gỡ rối cho bài toán khủng hoảng thừa của ngành này. Tuy nhiên, câu chuyện xuất khẩu thí điểm 100.000 tấn của năm 2010 đến con số 18 triệu tấn của 11 tháng năm 2014 chứng minh thực tế, trong suốt 4 năm qua các doanh nghiệp xi măng không chịu thay đổi. Thừa vẫn hoàn thừa. Suốt 4 năm nay, cứ chấp nhận cảnh thừa mà không rà soát lại quy hoạch, điều chỉnh lại công suất thì cần đặt dấu hỏi. Phá núi đá vôi để làm xi măng (trong đó lượng xuất khẩu lớn) tức là bán đi tài nguyên, cùng đó là để lại những hậu quả về môi trường.
Được biết, tới thời điểm này đa số nhà máy xi măng lâm vào cảnh nợ nhiều, tổng vay nợ gấp từ 4 - 6 lần vốn chủ sở hữu, kinh doanh thua lỗ, kể cả Tổng công ty lớn cũng thua lỗ. Từ đó, con số nợ xấu tăng cao.
Đến thời điểm này, Việt Nam trở thành nước đứng đầu trong khối ASEAN về năng lực sản xuất xi măng. Hiện trạng và tương lai dư thừa của ngành cho thấy đã đến lúc phải hạn chế khai thác núi đá vôi và phải dừng các ưu đãi, trong đó có việc các doanh nghiệp xi măng được ưu ái xuất khẩu mà không chịu thuế. Bên cạnh đó còn là những hỗ trợ nhất định trong chi phí về giá điện, thuế môi trường…