"Giữ" vàng có phải là sự lựa chọn khôn ngoan?

Trong thời điểm hiện tại, khi nền kinh tế đang có dấu hiệu khởi sắc rõ ràng hơn, việc cầm giữ vàng hay chuyển qua các kênh đầu tư khác vẫn đang khiến không ít nhà đầu tư băn khoăn.

Theo lời khuyên của các chuyên gia, cầm giữ vàng có vẻ không phải là quyết định đầu tư tối ưu tại thời điểm này, nếu không muốn nói là tiềm ẩn rủi ro….

Phát sốt vì giá vàng giảm…

Cậu mợ tôi vốn chỉ là công chức bình thường, nhưng cũng nhờ chăm chỉ làm thêm và chắt chiu, tiết kiệm, nên đôi ba năm lại dành dụm được món tiền kha khá. Vì ở quê, nên cậu mợ tôi không có nhiều thông tin và sự lựa chọn để đầu tư. Bình thường, cậu mợ tôi vẫn lựa chọn cách gửi tiết kiệm để vừa an toàn, vừa sinh lời, dù ở mức khiêm tốn. Tuy vậy, hồi năm 2011, thấy giá vàng cứ vùn vụt tăng, lúc đỉnh điểm lên tới gần 50 triệu đồng mỗi lượng, cậu mợ tôi tính toán: Số tiền tiết kiệm tại thời điểm gửi sổ có thể mua được khoảng 20 lượng, lúc ấy rút ra mua vàng cũng chỉ được già 10 lượng chút đỉnh. Xót của, lại sợ giá vàng tiếp tục tăng nữa, cậu mợ tôi quyết định rút tiền ra mua vàng.

Không may cho cậu mợ tôi, sau khi mua vàng, cũng là lúc "cơn bão giá vàng" suy yếu dần. Tuy vậy, vẫn chưa tin là giá vàng sẽ giảm tiếp, cộng với sự lo lắng về việc giá vàng sẽ lại tăng, nên sau đấy, tích cóp được bao nhiêu, cậu mợ tôi đều quy ra vàng nhẫn trơn, nhất định không chịu gửi tiết kiệm. Thành ra, số tiền ban đầu cũng kha khá, đem quy đổi ra vàng đã bị "teo tóp" mất non nửa, nay đem vàng quy đổi lại ra tiền bị "teo tóp" thêm một phần không nhỏ nữa. Sự "họa vô đơn chí" ấy khiến cậu mợ tôi mất ăn, mất ngủ, đón mấy cái Tết kém vui.

Giao dịch vàng chiều 16-3 tại quầy giao dịch Bảo Tín Minh Châu.

Bởi vậy, nay, thấy giá vàng cứ lình xình loanh quanh mãi ở mức 35, 36 triệu đồng mỗi lượng, cậu mợ tôi đã "rút kinh nghiệm", có tiền là đi gửi, dẫu rằng lãi suất có thấp hơn khi xưa rất nhiều. Ấy vậy nhưng, số vàng đã mua được, cậu mợ tôi cũng không dám bán, vì vẫn cứ e ngại rằng giá vàng có thể lại lên nữa.

Với những người quen "ăn chắc mặc bền" như cậu mợ tôi, suy nghĩ ấy có vẻ là phổ biến, nhưng với những người có "máu kinh doanh", hoặc như các chuyên gia kinh tế, thì họ không cho việc giữ vàng là lựa chọn tối ưu tại thời điểm này.

Giá vàng trong con mắt chuyên gia

Tính đến 15 giờ 44 phút, ngày hôm qua (16-3), vàng SJC do Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết tại thị trường TP Hồ Chí Minh là 35,26 triệu đồng/lượng mua vào và 35,36 triệu đồng/lượng bán ra, giảm hơn 30.000 đồng mỗi lượng ở cả hai chiều so với thời điểm đầu ngày giao dịch và giảm tới 80.000 đồng mỗi lượng so với thời điểm giá cao nhất tính từ đầu giờ sáng. Tuy nhiên, nếu so với thời điểm đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần trước, giá vàng tại đây đang cao hơn 40.000 đồng mỗi lượng ở cả hai chiều, mua vào và bán ra. So với mức đỉnh trong hơn 1 năm qua là 38,38 và 38,9 triệu đồng mỗi lượng mua vào, bán ra ngày 24-7-2013, giá vàng trong nước đang trong xu thế giảm và tương đối ổn định trong ngắn hạn vừa qua.

Cùng thời điểm, giá vàng quốc tế được niêm yết qua Sàn giao dịch chứng khoán Hoa Kỳ (Nasdaq) là 1.158,9 USD/oz, tương đương với 29,94 triệu đồng/lượng. Tính ra, giá vàng trong nước đang cao hơn giá vàng quốc tế tới 5,72 triệu đồng/lượng. Như vậy, giá vàng quốc tế vẫn trong xu thế giảm và đi ngang sau khi đạt đỉnh ở mức 1.302,1 USD/oz ngày 22-1 nếu tính từ đầu năm đến nay và giảm mạnh so với mức đỉnh khoảng 1.900USD/oz hồi năm 2011 nếu tính trong vòng 5 năm qua.

Biểu đồ giá vàng thế giới tính đến 18 giờ chiều 16-3.

Nhận định về xu hướng giá vàng thời gian tới, nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng, giá vàng sẽ có xu hướng giảm trong thời gian tới. Họ đánh giá, trước mắt, dường như không có thông tin nào khả dĩ để có thể hỗ trợ giá vàng tăng mạnh, trừ phi có những cú sốc lớn về kinh tế toàn cầu hoặc có vấn đề lớn về tín dụng. Trả lời phỏng vấn của Hãng tin Bloomberg (Mỹ), chuyên gia Edward Meir cũng đánh giá, giá vàng nhiều khả năng sẽ "test" ở mức giá thấp trong mùa hè năm nay. Thậm chí, có chuyên gia nhận định, mốc 1.150USD/oz có thể sẽ bị phá vỡ và giá vàng sẽ tìm đến vùng 1.100USD/oz trong ngắn hạn.

Một số chuyên gia Việt Nam cũng có chung nhận định về xu hướng giá vàng như các chuyên gia quốc tế. Tuy nhiên, cũng có chuyên gia thận trọng hơn, nhận định giá vàng nhiều khả năng có xu hướng đi ngang.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Quân đội nhân dân, Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đưa ra nhận định, sắp tới, giá vàng sẽ ổn định, không tăng, không giảm, do đồng đô-la Mỹ đang tăng giá và tình hình sản xuất, kinh doanh cũng đang ngày càng được cải thiện.

Giữ vàng không phải tối ưu

Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm nhấn mạnh, lạm phát hiện nay đang được kiểm soát tốt, giá đô-la Mỹ đang tăng, thị trường chứng khoán cũng đã có chuyển biến. Đó là những dấu hiệu tích cực cho thấy lợi nhuận ở những kênh đầu tư khác sẽ cao hơn, nên dòng tiền đổ vào các kênh đầu tư khác sẽ lớn hơn. Áp lực lên giá vàng sẽ giảm mạnh kéo theo giá vàng giảm.

"Trước đây, khi đồng đô-la Mỹ không hấp dẫn, chứng khoán có vấn đề và các lĩnh vực kinh doanh khác đều không thuận lợi thì người ta đổ xô vào vàng. Giờ đây, vàng không còn giữ được vị trí của nó nữa, nên người ta không giữ vàng là chủ yếu, mà sẽ đầu tư vào đô-la, vào chứng khoán, vào các lĩnh vực kinh doanh khác sinh ra nhiều lợi nhuận hơn", Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm nói.

Nhận định của nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có vẻ đúng với thực tiễn hiện nay. Khảo sát tại một số cơ sở kinh doanh vàng bạc trên địa bàn Hà Nội trong ngày 16-3, chúng tôi nhận thấy, giao dịch chủ yếu được thực hiện với các loại vàng trang sức, không mấy người hỏi mua vàng miếng để đầu tư hay cất trữ…

Rõ ràng, so với các kênh đầu tư khác, vàng đang được coi là kênh đầu tư không còn nhiều hấp dẫn, nếu không muốn nói là chứa đựng rủi ro. Nếu loại trừ yếu tố tâm lý, đầu cơ và bất ổn do chiến tranh, thông thường, cứ mỗi khi nền kinh tế vượt qua khủng hoảng, trở lại ổn định, giá vàng sẽ giảm dần, tìm một ngưỡng tương đối ổn định để lình xình chạy ngang. Chưa ai dám khẳng định, giá vàng, cả trong nước và quốc tế, đã "chạm đáy" sau cuộc đại suy thoái kinh tế toàn cầu vừa qua. Nói rủi ro khi nắm giữ vàng vẫn còn là vì thế.

"Tiền ở trong nhà là tiền chửa, tiền ra khỏi cửa là tiền đẻ", một chuyên gia kinh tế nổi tiếng thế giới đã đúc kết như vậy. Trong bối cảnh hiện nay, theo ý kiến riêng của người viết, chuyển tiền thành vàng để "chôn" một chỗ không phải là sự lựa chọn đầu tư hay…