[Giảm thuế chống bán phá giá tôm] Thăng trầm tôm Việt vào đất Mỹ

(NDH) Dự kiến thuế chống bán phá giá tôm của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ giảm đi rất nhiều so với thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam cho đợt 1/2/2012- 31/1/2013 (POR8).

Ảnh minh hoạ

Thăng trầm tôm Việt vào đất Mỹ


Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), vừa công bố kết quả sơ bộ rà soát hành chính lần thứ 9 (POR9) của Bộ Thương Mại Hoa Kỳ (DOC).

Theo đó thuế chống bán phá giá tôm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam giai đoạn từ 1/2/2013 đến 31/1/2014 (POR9), trung bình là 0,93%. Mặc dù chỉ là kết quả sơ bộ nhưng thuế của POR9 đã giảm mạnh so với mức thuế của kỳ xem xét lần trước của POR8 với 6,37%.

Cụ thể, trong ba bị đơn bắt buộc thì Minh Phu Seafood Corp (MPC) có mức cao nhất là 1,5%, Thuan Phuoc Corp với 1,06% và Fimex Việt Nam (FMC) là đơn vị duy nhất không bị áp thuế chống bán phá giá lần này. Các bị đơn tự nguyện khác chịu mức thuế là 0,93%. Trong khi đó, thuế suất toàn quốc vẫn được áp dụng ở mức 25,47% như trước đây.

Theo VASEP, mức thuế lần này giảm chủ yếu do DOC đã dựa trên các dữ kiện phù hợp từ 3 nước là Bangladesh, Ấn Độ và Indonesia để tính giá thành.

Trước đó, kết quả cuối về thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam cho đợt 1/2/2012- 31/1/2013 (POR8), doanh nghiệp tôm Việt Nam đã "ngậm đắng" chịu mức thuế bán phá giá cao kỷ lục.

Cụ thể, Tập đoàn thủy sản Minh Phú chịu mức thuế 4,98%, Công ty cổ phần thủy sản Sóc Trăng (STAPIMEX) 9,75% và 30 công ty bị đơn khác 6,37%. Cơ sở để DOC đưa ra các phán quyết này đó là tất cả công ty Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam đã xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ với giá thấp hơn giá trị hợp lý, tức là đã bán phá giá tại thị trường này. Do đó, DOC đã quyết định mức thuế cao đối với tôm xuất khẩu từ Việt Nam.

Doanh nghiệp tôm Việt Nam trước việc bị áp thuế chống bán phá giá liên tục, ở mức cao kéo dài đã bị ảnh hưởng rất nặng nề. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp Việt Nam có mức xuất khẩu giảm đáng kể.

Minh chứng rõ ràng của việc áp thuế chống bán phá giá là năm 2014, xuất khẩu tôm sang Mỹ tăng rất nhanh ở những tháng đầu năm và bắt đầu sụt giảm kể từ tháng 9 sau khi Mỹ công bố kết quả cuối cùng POR8 với mức thuế cao kỷ lục 6,37%. Chỉ tính riêng trong tháng 12/2014, giá trị XK tôm sang Mỹ đã giảm khảng 10% so với tháng 12/2013...

Hội chế biến thủy sản Cà Mau (Casep) cho biết chỉ riêng từ 1/2/2012 đến 31/1/2013 tức là POR8, ngành tôm Cà Mau bị thiệt hại khoảng 12,3 triệu USD do Mỹ áp thuế chống bán phá giá với tôm đông lạnh của Việt Nam.

Theo Casep, năm 2012, xuất khẩu tôm của tỉnh Cà Mau vào thị trường Mỹ khoảng 193 triệu USD, năm 2013 trên 231 triệu USD, riêng 8 tháng đầu năm 2014 khoảng 163 triệu USD. Như vậy, với mức thuế bình quân của các doanh nghiệp bị đơn tự nguyện của địa phương thì ngành tôm Cà Mau bị thiệt hại khoảng 12,3 triệu USD.

Riêng với các công ty chịu thuế cao, mức thiệt hại còn lớn hơn nhiều. Lãnh đạo một doanh nghiệp xuất khẩu tôm đông lạnh sang Mỹ chia sẻ, việc áp thuế chống bán phá giá tôm vừa ảnh hưởng đến doanh nghiệp, vừa ảnh hưởng đến người nông dân và cả người tiêu dùng Mỹ. Theo đó, khi xuất khẩu giảm sẽ tạo áp lực giảm giá tôm nguyên liệu, từ đó người nông dân phải chịu thiệt.

Tuy nhiên, với việc áp thuế chống bán phá giá có xu hướng giảm thì ngành tôm Việt Nam đang đặt nhiều kì vọng xuất khẩu trong năm 2015.

Hướng đến những thị trường mới

Có một câu hỏi đặt ra là DOC liên tục áp thuế chống bán phá giá hàng năm với tôm xuất khẩu của Việt Nam, vậy tại sao Việt Nam không tăng cường xuất khẩu sang những thị trường khác thay vì bó buộc với thị trường Mỹ.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam năm 2014 khoảng 3,95 tỷ USD, tăng 27% so với năm 2013. Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất với kim ngạch 991 triệu USD.


5 nước xuất khẩu tôm lớn nhất vào Mỹ (tính theo sản lượng)

Mặc dù, Mỹ vấn đóng vai trò lớn trong xuất khẩu tôm của Việt Nam nhưng nhiều nhà hoạch định chính sách, đặc biệt là các doanh nghiệp đã nghĩ đến việc vươn ra các thị trường mới, những thị trường dễ tính hơn, mang lại lợi nhuận cao hơn.

Theo đó, nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu tôm, Tập đoàn thủy sản Minh Phú đã có kế hoạch xây nhà máy chế biến và phân phối tôm tại Ấn Độ, Indonesia và Philippines trong 5 năm tới. Hiện tại MPC đã có một cơ sở phân phối tại California (Mỹ), cung cấp tôm sú cho các chuỗi siêu thị lớn như Costco Wholesale và Wal-Mart.

Thêm vào đó, "vua tôm" Việt đã hủy niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán để bán mình cho đối tác ngoại. Việc này được cho là sẽ giúp Minh Phú vươn tới nhiều thị trường mới và trở thành hãng tôm toàn cầu.

CEO của Minh Phú, ông Lê Văn Quang cho biết, doanh thu và lợi nhuận của tập đoàn này sẽ liên tục tăng từ 15-20% trong 5 năm tới. Minh Phú đang cố gắng vươn dài cánh tay thủy sản của mình ra thế giới.

Trước đó, chia sẻ trên Bloomberg CEO của Minh Phú cho biết tập đoàn hiện đang xuất khẩu sang hơn 60 nước với tổng kim ngạch năm 29014 tăng 41% lên 730 triệu USD so với năm 2013. Trong đó, Mỹ là thị trường lớn nhất của Minh Phú, sau đó là Nhật Bản và Châu Âu.

Ngoài ra, thị trường Hàn Quốc được coi là mục tiêu cũng như thị trường tiềm năng của tôm Việt Nam với mức tăng trưởng đáng kinh ngạc trong những năm qua.

Năm 2014, xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Hàn Quốc tăng tới 36,4% về lượng và 59,7% về giá trị. Với việc kết thúc đàm phán FTA với Hàn Quốc, trong năm 2015 các doanh nghiệp tôm hi vọng xuất khẩu tôm vào thị trường này sẽ tăng tốc bên cạnh các thị trường khác như: ASEAN, Nga, EU...