[Giảm thuế chống bán phá giá tôm]: Cơ hội từ làn sóng FTAs

[Giảm thuế chống bán phá giá tôm]: Cơ hội từ làn sóng FTAs

(NDH) Hàng loạt các FTA mà Việt Nam đã và đang đàm phán được kì vọng sẽ mở ra cơ hội mới, thị trường mới cho ngành thuỷ sản Việt Nam trong đó có xuất khẩu tôm.

Ảnh minh hoạ

Đợi sóng lớn từ FTAs

Hai tháng đầu năm 2014, xuất khẩu thủy sản bất ngờ giảm gần 10%xuất khẩu thủy sản chỉ đạt 950 triệu USD, giảm tới 4,7% so với cùng kỳ năm 2014. Còn trong tháng 1/2015, con số này giảm tới gần 26%. Trong đó, lượng xuất khẩu tôm giảm đáng lo ngại.

Mặc dù ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết việc xuất khẩu thủy sản giảm liên tiếp trong hai tháng đầu năm 2015 là theo chu kì hàng năm và không có gì đáng ngại. Song nhiều chuyên gia cũng tỏ ra lo lắng.
Xét riêng về mặt hàng tôm, trên thực tế sức tiêu thụ và xuất khẩu đang rất chậm. Cụ thể, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư kí Hiệp hội chế biết và xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết, thị trường xuất khẩu tôm đầu năm rất trầm lắng và mang tính chờ đợi.

Theo ông Hòe, sở dĩ có sự chững lại này là do tác động của mức thuế suất cao kỷ lục trong kết quả cuối cùng của đợt áp thuế chống phá giá lần thứ 8 (POR8) đối với xuất khẩu tôm đông lạnh sang Mỹ. Được biết Mỹ là thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm 27% lượng tôm xuất khẩu.
Theo đó, trong hai tháng đầu năm, lượng tôm đông lạnh xuất khẩu sang thị trường này giảm mạnh cả về lượng và giá trị...
Tuy xuất khẩu giảm, nhưng nhiều dự báo cho thấy xuất khẩu tôm sẽ tăng mạnh trong năm bởi những lý do chính sau

Một là, theo kết quả sơ bộ của POR9, thuế chống bán phá giá tôm đã giảm xuống đáng kể. Theo đó thuế chống bán phá giá tôm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam giai đoạn từ 1/2/2013 đến 31/1/2014 (POR9), trung bình là 0,93% so với mức 6,37% của POR8.

Song VASEP cho rằng việc tiếp tục đánh thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam là vô lý. Kết quả cuối cùng sẽ được công bố sau 90 ngày kể từ ngày công bố kết quả sơ bộ.

Hai là, làn sóng FTAs đang mời gọi các doanh nghiệp tôm Việt. Cụ thể, sắp tới Việt Nam sẽ có hàng loạt các FTA với các nước, khu vực như: Hàn Quốc, EU, Nga... cùng các hiệp định như TPP, FTA VN-EU. Đây đều là những thị trường tiềm năng và có nhu cầu nhập khẩu tôm, thuỷ sản của Việt Nam.
Đơn cử như Hàn Quốc dành cho Việt Nam ưu đãi cắt, giảm thuế quan, tạo cơ hội xuất khẩu mới và quan trọng đối với các nhóm hàng nông, thủy sản chủ lực như tôm, cá, hoa quả, hàng công nghiệp như dệt, may, sản phẩm cơ khí.

Hàn Quốc là thị trường tiêu thụ tôm Việt Nam lớn thứ 5 sau Mỹ, Nhật Bản, EU và Trung Quốc.

Xuất khẩu tôm sang thị trường này năm 2014 tăng 41,3% so với năm 2013, đạt 317,8 triệu USD, nhờ đó Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc trở thành nước cung cấp tôm lớn nhất cho thị trường này trong năm qua.

Ông Trương Đình Hòe cũng cho hay, sản phẩm tôm Việt Nam đang chi phối thị trường thế giới, trong đó có Hàn Quốc do nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng tốt và giá bán hợp lý.

Với nhiều hứa hẹn do FTAs và các hiệp định thương mại khác, ngành tôm được kì vọng sẽ bứt phá trong năm 2015 này.

Chinh phục thị trường nội địa

Nhiều loại tôm cao cấp được sản xuất để xuất khẩu ra các thị trường khó tính trên thế giới như: EU, Mỹ, Nhật Bản...gần đây đã được bán rộng rãi tại trường Việt Nam.

Điều này cho thấy một bộ phận người Việt có xu hướng sử dụng các sản phẩm có tiêu chuẩn nước ngoài được sản xuất trong nước. Nắm bắt được tâm lí này, nhiều doanh nghiệp, người dân đã chủ động làm tôm sạch để chinh phục chính người tiêu dùng trong nước với giá cả phải chăng.

Sau nhiều vụ bê bối về an toàn thực phẩm, người dân tỏ ra cẩn trọng khi lựa chọn các sản phẩm thuỷ sản đặc biệt là cá, tôm. Thông thường giá các sản phẩm tôm cao cấp, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu chỉ được bán tại các siêu thị lớn, các cửa hàng chuyên về hải sản với giá đắt gấp đôi so với tôm thường.

Như tôm loại 1 giá có thể lên tới 700.000-800.000 đồng/kg, tôm khô giá trên 1,5 triệu đồng/kg...

Vì thế, bên cạnh chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu, tìm kiếm, mở rộng thị trường mới các doanh nghiệp giờ đây còn một chiến lược quan trọng đó là chinh phục chính thị trường nội địa, đưa tôm sạch đến từng bữa ăn của người Việt.