Dự báo năm 2015, nhu cầu tiêu thụ xi măng tiếp tục được cải thiện, cùng với nhiều giải pháp nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường, dành một phần cho xuất khẩu, bài toán cung vượt cầu xi măng bắt đầu tìm được lời giải.
Đối mặt với tình trạng dư thừa
Năng lực sản xuất xi măng trong nước không ngừng được tăng lên trong những năm vừa qua khi hàng loạt dây chuyền mới được đưa vào hoạt động. Theo số liệu của Bộ Xây dựng, trong năm 2014 có thêm 3 dự án xi măng đi vào vận hành, nâng tổng số dây chuyền sản xuất xi măng lên 74 với tổng công suất thiết kế là 77,35 triệu tấn. Trong khi đó, tiêu thụ trong nước chỉ hơn 50 triệu tấn, công suất dư thừa hơn 25 triệu tấn. Vì vậy, tâm thế của nhiều đơn vị sản xuất xi măng trong nước là xác định rõ khó khăn, chủ động đối mặt và tìm hướng giải quyết.
Theo ông Lương Quang Khải, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem), cần phải xác định rằng trong vòng 5 năm nữa năng lực sản xuất xi măng vẫn dư thừa, do vậy phải sống chung với tình trạng đó, đặc biệt là cạnh tranh gay gắt về giá bán, quan trọng hơn cả là xác định rõ tâm thế để chủ động đưa ra giải pháp. Trên thực tế, đã có những đơn vị sản xuất xi măng chấp nhận hạ giá bán, thậm chí bán hòa vốn hoặc dưới giá thành để duy trì hoạt động, giảm tồn kho. Một trong những giải pháp hàng đầu của Vicem để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm là giữ vững những thị trường cốt lõi vốn là nơi tiêu thụ truyền thống. Bên cạnh đó, phải nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa các dòng sản phẩm. "Giá bán có thể cao hơn vài chục nghìn đồng một tấn, tính cả công trình cũng chỉ chênh vài triệu đồng, nếu cung cấp sản phẩm chất lượng tốt, người tiêu dùng sẽ không đắn đo quá nhiều khi lựa chọn xi măng", ông Lương Quang Khải chia sẻ.
Đóng bao sản phẩm xi măng tại Công ty cổ phần xi măng Vicem Hoàng Mai. |
Hướng đi được nhiều doanh nghiệp xi măng lựa chọn khi sản xuất dư thừa là tìm cách xuất khẩu. Trong tổng số 70,6 triệu tấn xi măng, clanh-ke tiêu thụ năm 2014, tiêu thụ nội địa khoảng 50,9 triệu tấn, xuất khẩu khoảng 19,7 triệu tấn, tăng 30% so với năm 2013. Xi măng là mặt hàng nặng, chi phí vận chuyển cao nên thời gian trước đây, xuất khẩu thường không được chú trọng. Vài năm gần đây, xuất khẩu đang dần trở thành kênh phân phối thường xuyên đối với các sản phẩm xi măng, chủ yếu là clanh-ke. Như đối với Vicem, lượng xuất khẩu chiếm 12-15% tổng sản lượng, năm 2014 đạt hơn 3 triệu tấn, trong đó, khoảng 2,5 triệu tấn là clanh-ke. Xuất khẩu đã góp phần quan trọng để giải quyết bài toán tiêu thụ, nhất là vào những thời điểm thị trường trong nước sụt giảm mạnh do tính chất thời vụ. Mặc dù vậy, để hoạt động này đạt hiệu quả, kinh nghiệm của nhiều đơn vị cho thấy, cần tránh tình trạng đua nhau xuất khẩu dẫn đến bị ép giá. Hợp đồng ký kết với đối tác phải linh hoạt, có hợp đồng cố định, có hợp đồng thả nổi giá. Xuất khẩu chỉ nên duy trì nếu mang đến hiệu quả, không nên tìm cách xuất khẩu bằng mọi giá.
Đón đầu tăng trưởng của thị trường
Dấu hiệu tích cực của thị trường đã bắt đầu được nhìn thấy từ năm 2014 khi tiêu thụ xi măng tăng 15% so với năm 2013. Ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) đánh giá, những chuyển biến tốt của thị trường xi măng có tác động từ sự ấm lên của thị trường bất động sản, nhu cầu xây dựng của người dân tăng và việc đẩy mạnh đầu tư xây dựng các công trình từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Giá bán xi măng hiện cũng chưa có biến động lớn, đó sẽ là điều kiện để đẩy mạnh tiêu thụ. Đầu năm 2015, sản xuất xi măng trong nước tiếp tục có tăng trưởng khá. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, sản xuất xi măng 2 tháng đầu năm 2015 tăng cao so với cùng kỳ 2014, đạt mức 19,8%, trong bối cảnh sản xuất công nghiệp nói chung có sự ổn định và nhu cầu trong nước có xu hướng tăng lên.
Vận chuyển xi măng đến nơi tiêu thụ tại Công ty cổ phần xi măng Vicem Hoàng Mai. |
Theo ý kiến một số chuyên gia, năm 2015, ngành xi măng sẽ tập trung tiêu thụ chủ yếu ở khu vực đầu tư công với các công trình sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, công trình cơ sở hạ tầng, giao thông nông thôn và khu vực nhà ở dân sinh. Trong đó, lĩnh vực đầu tư công có thể tăng trưởng khoảng 6% nhu cầu tiêu thụ xi măng, nhà ở dân sinh dự báo có mức tăng cao hơn khoảng 7-8%. Nếu nắm bắt được cơ hội này, tiêu thụ xi măng trong nước hứa hẹn sẽ tiếp tục có chuyển biến tích cực trong năm nay. Bên cạnh đó, để bảo đảm cân đối cung-cầu, bình ổn thị trường xi măng, Bộ Xây dựng đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý đưa 5 dự án xi măng có công suất dưới 2.500 tấn clanh-ke/ngày ra khỏi quy hoạch, hoãn thực hiện 9 dự án đến giai đoạn sau năm 2015. Dự kiến, năm 2015 chỉ có 1 dây chuyền xi măng mới được đưa vào sản xuất, rút ngắn khoảng cách chênh lệch cung-cầu.
Một trong những khó khăn lớn nhất ngành xi măng phải đối mặt trong năm 2015 là sự gia tăng của một số chi phí đầu vào trong khi giá bán khó tăng theo, do các đơn vị đều phải cố gắng giữ thị phần. Trong thời gian tới, giá thành sản xuất xi măng sẽ phải tăng thêm chi phí khi giá điện sẽ tăng. Mặc dù không chiếm tỷ trọng lớn, nhưng khi giá điện tăng sẽ kéo theo hàng loạt các chi phí, dịch vụ khác ăn theo, tác động đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của đơn vị sản xuất. Bên cạnh đó, chi phí vận tải đã bắt đầu có sự điều chỉnh. Thực hiện các giải pháp kiểm soát tải trọng xe, các đơn vị sản xuất xi măng phải tìm mọi cách để tối ưu hóa phương thức vận tải. Trước đây, xi măng chủ yếu vận chuyển bằng đường bộ, hiện nay, chi phí vận tải đường bộ tăng lên, một số doanh nghiệp bắt đầu chuyển một phần sang đường sắt và đường thủy. Ngoài ra, trong cùng một đơn vị cũng có sự phân chia công việc giữa các nhà máy. Những nhà máy ở gần cảng biển sẽ tập trung chủ yếu cho các sản phẩm xuất khẩu để tiết kiệm chi phí vận tải, nhà máy nằm sâu trong nội địa sẽ dồn sức cho thị trường trong nước.
Năm 2015 cũng là thời hạn cuối cùng mà Bộ Xây dựng đưa ra để các nhà máy xi măng đầu tư hệ thống thu hồi nhiệt lò nung phục vụ phát điện. Theo đó, mỗi dây chuyền xi măng công suất từ 2.500 tấn clanh-ke/ngày trở lên bắt buộc phải đầu tư thiết bị tận dụng nhiệt thừa khí thải từ lò nung để phát điện, chi phí tính sơ bộ khoảng 400 tỷ đồng cho một dây chuyền. Ngoài kinh phí lớn, việc đầu tư hệ thống này cũng đòi hỏi phải lựa chọn công nghệ hiện đại. Thực tế, đã có hệ thống thu hồi nhiệt lò nung được lắp đặt ở một số dây chuyền nhưng hoạt động không hiệu quả. Khi nhiệt độ trong lò không đủ, hệ thống không thể phát điện, để duy trì phải đốt thêm than, vô hình trung lại làm tăng thêm chi phí vận hành. Bộ Xây dựng vừa có đề xuất với Bộ Tài chính đưa hệ thống tận dụng nhiệt thừa khí thải lò nung của các nhà máy xi măng vào danh mục được vay vốn ưu đãi. Nếu đề xuất này được thông qua, các doanh nghiệp sẽ có thêm điều kiện cân đối tài chính, đẩy mạnh đầu tư khoa học-công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất cũng như góp phần bảo vệ môi trường.