Một cây xăng của Petrolimex ở Hải Dương. Ảnh NDH
Giá xăng Việt Nam giảm chậm hơn giá dầu thế giới
Kể từ sau đợt điều chỉnh giá xăng dầu lần trước của Việt Nam vào ngày 19/8, giá dầu thô Brent đã liên tục giảm và có lúc xuống đáy của năm nay là 42,69 USD/thùng vào ngày 24/8. Đây cũng là mức thấp nhất của loại dầu thô chủ chốt này kể từ tháng 3/2009.
Tuy nhiên, giá dầu Brent vài ngày qua đã kịp phục hồi và vượt ngưỡng 50 USD/thùng, khiến giá xăng tại Việt Nam không bị giảm mạnh khi đến kỳ điều chỉnh lần này (vào ngày 3/9). Theo quy định hiện hành, giá xăng dầu sẽ được Liên bộ Tài chính-Công thương điều chỉnh theo kỳ 15 ngày.
Theo sau quyết định điều hành giá xăng dầu của Liên bộ ngày 3/9, các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối đã điều chỉnh giảm giá xăng đi 1.200 đồng/lít từ 15h00 cùng ngày.
Hiện Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) niêm yết giá xăng A92 ở mức 17.330 đồng/lít. Tuy nhiên, đây chưa phải là mức thấp nhất của giá xăng trong năm nay. Giá xăng trước đó đã được điều chỉnh xuống mức đáy là 15.670 đồng/lít từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 3 năm nay.
Và với mức giá hiện tại, giá xăng A92 hiện mới giảm 3,1% so với cuối năm 2014, ít hơn so với mức giảm 12,4% của giá dầu Brent trong cùng giai đoạn.
So với cùng thời điểm này năm trước, giá xăng A92 hiện đã giảm 27%.
Dầu hỏa xuống dưới mốc 10.000 đồng, giảm một nửa so với cùng kỳ
Mức giảm của giá xăng có lẽ không phản ánh được hết biến động giảm mạnh của giá dầu thô trên thế giới do Việt Nam còn áp dụng nhiều chính sách đối với xăng như trích quỹ bình ổn giá, thuế phí, lợi nhuận định mức... Tuy nhiên, giá các mặt hàng dầu chắc chắn phản ánh đúng hơn diễn biến của thị trường toàn cầu.
Với mức 13.310 đồng/lít sau khi được điều chỉnh giảm ngày 3/9, giá dầu Diesel (loại 0,25S) hiện đã giảm 21,7% so với cuối năm 2014.
So với cùng kỳ năm trước, dầu Diesel đã giảm 39,4%.
Dầu hỏa còn giảm giá mạnh hơn. Loại dầu này hiện được Petrolimex giảm xuống mức 12280 đồng/lít, tương đương giảm 29,4% so với đầu năm nay và giảm 44,4% so với cùng kỳ năm 2014.
Cũng giảm khoảng 29% so với đầu năm, nhưng dầu Mazut (loại 380) lại giảm tới 49,2% nếu so với cùng thời điểm năm trước. Trong ngày 3/9, loại dầu này được Petrolimex điều chỉnh xuống mức 9.250 đồng/lít – trở thành sản phẩm dầu duy nhất xuống dưới ngưỡng 10.000 đồng/lít.
Giá dầu thế giới hiện vẫn chịu áp lực do nguồn cung từ Mỹ cho tới OPEC đang ở mức cao. Trong khi đó, phía cầu lại gặp bất lợi do lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc - nước tiêu thụ dầu thô lớn thứ 2 thế giới.
Việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ trong tháng 8 đã phần nào nêu bật lo ngại về việc tăng trưởng kinh tế của nước này sẽ giảm tốc mạnh.
Trong một diễn biến mới nhất, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) ngày 2/9 cho biết lượng dầu lưu kho của Mỹ đã tăng 4,7 triệu thùng lên 455,4 triệu thùng trong tuần trước, làm tăng thêm lo ngại về tình trạng dư cung toàn cầu.
Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có đủ số phiếu ủng hộ từ Đảng Cộng hòa để tiếp tục phủ quyết bất kỳ nghị quyết nào của nghị viện ngăn cản thỏa thuận hạt nhân của Iran với các cường quốc thế giới. Như vậy, nhiều khả năng Iran sẽ tăng mạnh lượng xuất khẩu dầu ra thế giới khi được bỏ lệnh cấm vận.