Giá trị gia tăng của ngành bia

Bài viết "Người Việt uống bia nhiều hay ít" trên DĐDN số 88 ra ngày 31/10/2014 đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi của độc giả. Kỳ này chúng tôi tiếp tục cung cấp thông tin những đóng góp của ngành bia cho kinh tế - xã hội để giúp độc giả có một cái nhìn tổng quan.

Theo Vụ trưởng Vụ chính sách Thuế (Bộ Tài chính) Phạm Đình Thi, trước hết, phải khẳng định bia là một loại đồ uống được ưa chuộng trên toàn thế giới và tiêu thụ bia là một nhu cầu chính đáng của xã hội, và nhu cầu này có xu hướng tăng. Sử dụng bia hợp lý, vừa phải thực tế có tác động tích cực đối với sức khoẻ con người. Do kinh tế xã hội phát triển, thu nhập của người dân tăng lên cùng với sự tăng dân số, nhu cầu sử dụng bia cũng tăng lên.

60.000 tỷ đồng thuế tiêu thụ đặc biệt/năm

Dẫn ra các số liệu tăng của các loại bia, từ bia hơi, bia tươi, bia đóng chai đến bia đóng lon mà cụ thể tốc độ tăng bình quân ngành được được giữ ở mức ổn định khoảng 8 - 9%, ông Thi cho biết chính nhờ sự phát triển của ngành bia gắn liền với năng lực tiêu thụ và ngày càng hướng đến sản phẩm có chất lượng, ngân sách Nhà nước đã thu được nguồn thuế đáng kể.

Theo đó, nếu như năm 2009, ngành bia đóng góp thuế tiêu thụ đặc biệt tới 10.675 tỷ đồng chiếm 31% tổng số thu thuế tiêu thụ đặc biệt nội địa của các nước thì liên tiếp bốn năm sau đó tới 2013, tỷ lệ này cũng không giảm xuống bao nhiêu, cho dù sản lượng và tăng trưởng ngành bia có thời điểm đã chững. Cụ thể hơn, số thuế tiêu thụ đặc biệt nội địa đối với bia cho NSNN năm 2010, 2011, 2012 và 2013 lần lượt là 10.283 tỷ đồng, 12.575 tỷ đồng, 14.933 tỷ đồng và 17.395 tỷ đồng. Tỷ lệ tương ứng ngành bia đóng góp trong tổng số thu thuế đặc biệt nội địa trong cả nước ở các năm lần lượt là 26%, 27%, 30% và 29%.

Có thể thấy, tỷ lệ đóng góp từ thuế TTĐB nội địa đối với bia trên tổng thu thuế TTĐB nội địa cả nước luôn duy trì ổn định ở mức cao từ 26 - 31%.

Ngoài thuế tiêu thụ đặc biệt nội địa, ngành bia cũng đóng góp nhiều nguồn khác vào thuế cho ngân sách Nhà nước, như thuế xuất nhập khẩu, thuế về VAT và thu khác. Dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê, nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách công nghiệp (IPSI) cùng với Cty Nghiên cứu Chính sách Regioplan (RP) và Ernst & Young (EY) cho biết chỉ tính riêng năm 2012, nộp ngân sách của các DN bia chiếm gần 4,5% số thu ngân sách nhà nước lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Nghiên cứu này thậm chí còn xác nhận mức thuế tiêu thụ đặc biệt ngành bia đã đóng chiếm tới 54,3% trong tổng thu ngân sách, tiếp đó là thuế VAT và thuế thu nhập DN (33,8%). Thuế thu nhập cá nhân và đóng góp an sinh xã hội chiếm ~11,6%. Những con số thuế tổng nộp cho NSNN tỷ lệ theo chiều tăng qua mỗi năm đủ để minh chứng: Bia thực sự xứng đáng là một sản phẩm công nghiệp chủ lực của nền kinh tế đang hướng đến phát triển công nghiệp - dịch vụ giai đoạn 2010-2020.

3% lao động và 7% giá trị gia tăng

Doanh thu thuần ngành bia chiếm gần 60% doanh thu thuần của ngành sản xuất đồ uống.

Một số liệu khác khá quan trọng cũng cho thấy vai trò và mức độ đóng góp của ngành bia đối với nền kinh tế - xã hội đã không còn chỉ là một sản phẩm để phục vụ nhu cầu đồ uống, mà để tạo ra sản phẩm đó, là sự liên quan mật thiết đến thị trường lao động, năng suất lao động và công ăn việc làm - an sinh xã hội.

Cũng theo nghiên cứu của IPSI, RP và EY, ngành sản xuất bia chỉ chiếm ~3% lao động nhưng tạo ra ~7% giá trị gia tăng (VA) trong ngành công nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm nhờ vào năng suất lao động ngành bia cao hơn nhiều so với năng suất lao động của các ngành khác. Năm 2013, RP ước tính VA ngành bia mang lại khoảng 30.000 tỷ đồng. Trước đó, từ năm 2010 đến 2012, giá trị VA ngành bia mang lại thực tế dao động từ 17.000 - 25.000 tỷ đồng, trong đó quan trọng nhất là các Cty sản xuất bia đã vừa tạo ra giá trị gia tăng cho chính họ đồng thời cũng gián tiếp tạo giá trị gia tăng cho cả các nhà cung ứng, lĩnh vực bán lẻ và dịch vụ.

Khảo sát của Tổng cục Thống kê và IPIS, có đến trên 60.000 đến 80.000 người lao động mỗi năm đã làm việc trong các loại hình sản xuất, cung tiêu, thời vụ cho ngành bia. Cùng với đó, là trên 200.000 người lao động ở các vị trí liên quan đến kênh tiêu thụ như nhân viên nhà hàng, người bán lẻ và hàng chục nghìn lao động gián tiếp ở các lĩnh vực cung ứng, các nguyên liệu nông nghiệp cho tới năng lượng và vận tải cũng như nhiều sản phẩm công nghiệp và dịch vụ khác.

Thử hình dung nếu không có nguồn đóng góp từ ngành bia cho ngân sách nhà nước và tạo việc làm cho lao động trực tiếp và gián tiếp, cũng không có đóng góp trực tiếp vào công tác an sinh xã hội và xóa đói giảm nghèo tại các địa phương nơi có nhà máy sản xuất trị giá hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, một lĩnh vực công nghiệp chủ lực đã bị trống khuyết trong nền kinh tế và lao động "dồn ứ" như thế nào.

Vì lẽ đó, nhìn nhận và đánh giá sao cho đúng vai trò quan trọng của ngành bia đối với nền kinh tế xã hội, để có những chính sách kích thích phát triển nhằm phát huy tối đa hơn nữa những đóng góp và tương xứng với tiềm năng của một ngành chủ lực là vô cùng quan trọng.

Theo Tổng cục Thống kê, với số lao động trong các DN sản xuất chưa đến 0,3 tổng số lao động toàn ngành công nghiệp, giá trị sản xuất ngành bia năm 2013 (đạt 38.800 tỷ đồng) chiếm 0,01% giá trị sản xuất của cả ngành công nghiệp. Giá trị tăng thêm chiếm tới 2,3% giá trị tăng thêm của cả ngành công nghiệp.