Giá sữa vẫn “ngất ngưởng”

Giá sữa vẫn “ngất ngưởng”

Giá sữa nguyên liệu thế giới giảm mạnh, nhưng giá sữa trong nước vẫn giữ ở mức cao và giữ ổn định trong nhiều tháng qua.

Người dân đang phải mua sữa giá cao

Kể từ tháng 4/2014 đến nay, giá nguyên liệu sữa trên thị trường thế giới liên tục giảm giá mạnh. Nguyên nhân chủ yếu do sản lượng tăng ở các thị trường lớn, mặt bằng giá hàng hóa thế giới giảm, tiêu thụ sữa giảm, đặc biệt là ở Trung Quốc. Cùng với đó, lệnh cấm của Nga đối với hàng nhập khẩu từ châu Âu, Mỹ và Úc cũng hỗ trợ rất lớn đối với giá nguyên liệu này. Đến tháng 12/2014, một số loại nguyên liệu sữa vẫn tiếp tục giảm.

Trong vòng một năm qua, giá sữa bột thế giới đã giảm hơn một nửa. Giá đầu năm 2014 là 5.000 USD/tấn, nay xuống dưới 2.500 USD/tấn; cá biệt, cuối tháng 12/2014, đầu tháng 1/2015 sữa bột rớt xuống còn hơn 2.200 USD/tấn (theo số liệu của Bộ Công Thương). Dự báo năm 2015, nhu cầu sữa giảm ở nước nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới là Trung Quốc, nguồn cung sữa của châu Âu dư thừa, giá xăng dầu giảm sẽ là những yếu tố khiến giá sữa nguyên liệu tiếp tục ổn định ở mức thấp.

Mặc dù giá nguyên liệu trên thế giới giảm, nhưng giá sữa trong nước vẫn cao. Ảnh: Thanh Hải
Mặc dù giá nguyên liệu trên thế giới giảm, nhưng giá sữa trong nước vẫn cao. Ảnh: Thanh Hải

Trong khi tại thị trường trong nước, giá bán các loại sữa bột, sữa nước của người lớn, trẻ em vẫn giữ nguyên từ tháng 6 đến nay. Khi hỏi về giá sữa, các cửa hàng kinh doanh sữa bột khu vực phố La Thành và trước cổng Bệnh viện Nhi T.Ư, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội... đều có cùng một câu trả lời chung: "Không có nhãn hiệu sữa bột nào giảm giá".

"Đây không phải lần đầu tiên các DN sữa "phớt lờ" việc giá nguyên liệu giảm, do đó, cũng giống như cước vận tải, các cơ quan chức năng cần phải "mạnh tay" hơn, chứ không chỉ ngồi đợi DN tự đăng ký giảm giá. Cơ quan chức năng phải theo diễn biến chặt chẽ thị trường sữa trong nước và giá nguyên liệu sữa nhập khẩu, có số liệu thật chuẩn xác, trên cơ sở đó sẽ làm việc với các DN sữa, buộc họ phải điều chỉnh" - Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh.

Anh Hậu, chủ đại lý Liên Đạt ở phố Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: "Ở thời điểm tháng 6 và 7, khi có chính sách giá trần, đăng ký giá bán buôn và bán lẻ tối đa để bình ổn giá mặt hàng sữa bột dành cho trẻ dưới 6 tuổi, lần lượt nhiều nhãn hiệu sữa điều chỉnh giảm giá sản phẩm. Sau đợt đó đến nay, không có sản phẩm sữa bột nào có chính sách giảm giá. Hiện giá sữa nội lẫn ngoại nhập đang đứng giá". Về phía người mua, hầu hết khách hàng được hỏi đều không biết đến việc giá sữa bột nguyên liệu giảm mạnh.

Cơ quan quản lý ngồi chờ

Mặc dù giá nguyên liệu chế biến sữa nhập khẩu đang trong xu hướng giảm, nhưng theo thông tin từ Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) cho thấy, hiện tại vẫn chưa có DN nào đăng ký điều chỉnh giảm thêm giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Phía DN "thanh minh", sau khi áp trần giá sữa, DN đã hụt thu nhiều tỷ đồng nên giá nguyên liệu vừa qua giảm giúp hãng cân bằng lại doanh thu. Hơn nữa, sau khi áp giá trần, việc tăng giá sữa khó khăn hơn, do đó DN không thể dễ dàng giảm giá sữa.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, nguyên tắc của DN là dù giá đầu vào giảm nhưng khi thị trường còn chấp nhận giá họ đang bán thì họ vẫn giữ giá đó. Số đông các DN luôn lấy lý do chi phí tăng, muốn có lợi nhuận tối đa trong kinh doanh. Nếu chưa có áp lực cạnh tranh đủ mạnh trên thị trường thì DN khó mà điều chỉnh giá giảm. Tuy nhiên, cơ quan chức năng có thể kiểm tra giấy tờ nhập khẩu để biết việc không giảm giá thành có hợp lý hay không.

Cùng nhận định, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết, DN luôn chạy theo lợi nhuận nên họ quên giảm giá là điều dễ hiểu. Ở Việt Nam, các hiệp hội người tiêu dùng (NTD) chưa hoạt động tích cực, NTD không biết, không để ý đến những thông tin của thế giới. Hệ thống phân phối, đặc biệt là khâu bán lẻ tại các cửa hàng nhỏ truyền thống còn phân tán, phức tạp, thiếu sự tổ chức và quản lý tốt cả về giá và chất lượng.

Theo quyết định bình ổn giá sữa của Bộ Tài chính, thời hạn các DN phải thực hiện đăng ký giá đã hết hiệu lực (6 tháng, kể từ ngày 1/6/2014). Như vậy, từ ngày 1/12/2014, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi không phải thực hiện đăng ký giá, chuyển sang thực hiện kê khai giá.

"Sau khi Quyết định của Bộ Tài chính được ban hành, Cục Quản lý thị trường đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát. Tuy nhiên, việc quản lý giá sữa vẫn gặp khó khăn do tồn tại những hạn chế trong việc chia sẻ thông tin giữa các chi cục quản lý thị trường với lực lượng chức năng khác, có lúc còn nặng về hành chính" - ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục quản lý giá phát biểu tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá gần đây nhất.

Ông Tuấn cho rằng, theo dự báo, giá sữa cho trẻ dưới 6 tuổi sẽ giảm sau ngày 1/3/2015, vì từ thời điểm này, Nghị định 100/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định quảng cáo và sử dụng sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ nhỏ sẽ chính thức có hiệu lực. Từ nay đến thời điểm đó, NTD lại chờ đợi và hy vọng.