Phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc dẫn số liệu thống kê của FAO cho biết tính chung trên thị trường toàn cầu, giá lương thực-thực phẩm đã có 7 tháng giảm liên tiếp, và riêng tháng 10 vừa qua giảm 0,2% so với tháng trước đó.
Giá ngũ cốc vẫn tiếp tục giảm nhờ nhiều nơi được mùa, trong đó có Ukranie, nơi sản xuất lúa gạo lớn của châu Âu.
Trong khi đó, giá sữa và các sản phẩm sữa giảm mạnh, trong tháng vừa qua giảm tới 1,9% so với tháng trước đó, mà một trong những nguyên nhân chính xuất phát từ quyết định của Nga, cấm nhập khẩu mặt hàng này từ các nước châu Âu để đáp trả những biện pháp trừng phạt nhằm vào mình.
Giá các loại thịt cũng giảm mạnh nhờ ngành chăn nuôi của nhiều nước đã bắt đầu được khôi phục sau đại dịch lở mồm, long móng diễn ra cách đây không lâu.
Trong số các mặt hàng nông phẩm tăng giá, đường tăng mạnh nhất - tăng tới 4,2% so với tháng trước, chủ yếu do nắng hạn ở các nước trồng nhiều mía, như Brazil và Cuba, khiến sản lượng và chất lượng loại cây trồng này giảm đáng kể.
Riêng giá dầu thực vật trong quãng thời gian trên đã tăng 1% do sản lượng hạt hướng dương toàn cầu giảm, tuy vậy, dầu đậu nành lại giảm giá.
Các chuyên của FAO dự báo tổng sản lượng ngũ cốc toàn cầu năm nay sẽ tăng hơn năm ngoái, có thể đạt tới trên 722 triệu tấn, do nhiều nước được mùa, trong đó đáng kể nhất là Ukraine. Tuy vậy, nhu cầu về lúa mỳ và thóc gạo để phục vụ con người trong năm nay cũng sẽ tăng 0,9%, và nhu cầu về các loại hạt để phục vụ chăn nuôi gia súc cũng tăng 2,6% so với năm ngoái.
FAO cũng phàn nàn rằng trên thị trường thế giới hiện có một khối lượng khá lớn ngũ cốc, lẽ ra dùng cho con người, song do bảo quản không tốt, làm giảm chất lượng, buộc phải chuyển cho chăn nuôi gia súc./.