Các mặt hàng giảm giá mạnh nhất gồm có đường và các sản phẩm sữa, tiếp đến là các loại ngũ cốc và dầu thực vật.
Chỉ số giá lương thực hàng tháng của FAO đã ghi nhận giá thực phẩm thế giới đã giảm tháng thứ 6 liên tiếp trong tháng Chín vừa qua, đánh dấu giai đoạn giảm giá dài nhất kể từ cuối thập niên 90 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, trong các loại thực phẩm, thịt vẫn giữ giá.
Theo báo cáo của FAO, sản lượng lúa mì thế giới năm nay được dự báo sẽ lập kỷ lục mới. Và mặc dù sản lượng gạo có thể giảm nhẹ trong năm nay thì lượng dự trữ lớn vẫn đủ đáp ứng cho 30% nhu cầu tiêu thụ được dự đoán trong hai năm tiếp theo.
Tình hình lương thực tại khu vực Đông Phi cũng đang cải thiện khi bắt đầu mùa thu hoạch. Tuy nhiên, dù giá lương thực trong khu vực này đang có xu hướng ổn định hoặc giảm, mức giá loại hàng hóa này ở các nước Somalia và Sudan vẫn ở mức cao.
FAO cũng đã công bố ấn phẩm mới nhất cập nhật báo cáo một năm hai lần về "Triển vọng Lương thựcm," theo đó nhận định những vụ mùa bội thu và nguồn dự trữ lương thực dồi dào là những yếu tố chính giảm giá ngũ cốc.
Tổ chức thuộc Liên hợp quốc nhấn mạnh các thị trường thực phẩm sẽ ổn định hơn và giá các mặt hàng nông sản sẽ thấp hơn nhiều so với mức giá trong những năm gần đây.
Dự đoán, sản lượng ngũ cốc thế giới sẽ đạt tổng cộng 2,5 tỷ tấn trong năm nay, cao hơn 65 triệu tấn so với dự báo FAO đưa ra hồi tháng Năm vừa qua.
Vào cuối vụ mùa 2015, dự trữ lương thực thế giới sẽ tăng lên mức cao nhất trong vòng 15 năm. Ngoài ra, sản lượng các loại hạt có chứa dầu cũng được dự đoán sẽ vượt mức kỷ lục so với vụ mùa trước nhờ sản lượng đậu tương tăng cao hơn.
Sản lượng sắn cũng sẽ lên mức cao kỷ lục, nhờ sản lượng tăng ở châu Phi, trong khi sản lượng đường cũng sẽ tăng trong giai đoạn 2015-2016.
Tuy nhiên, FAO cho biết dịch bệnh Ebola ở Tây Phi tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa các thị trường cũng như hoạt động nông nghiệp, từ đó tác động tiêu cực tới an ninh lương thực và lượng lớn dân số.
Tổ chức này cũng cảnh báo rằng những trận mưa bất thường tại nhiều khu vực ở vành đai Sahelian có thể khiến triển vọng về sản lượng lương thực khó đoán định.
FAO cũng tính toán năm nay sẽ là năm thứ 5 liên tiếp các nước sẽ chi hơn 1.000 tỷ USD (tương đương 783 tỷ euro) cho nhập khẩu lương thực./.