Giá hàng hóa cơ bản giảm, Trung Quốc được lợi

Giá cả trên thị trường hàng hóa toàn cầu, đặc biệt là giá dầu mỏ sụt giảm có thể là tin tốt cho nền kinh tế Trung Quốc.



Ảnh minh họa

Lý do được đưa ra là vì điều này sẽ giúp giá trị các hóa đơn phía nhập khẩu của nước này giảm xuống, thúc đẩy thặng dư thương mại và giúp cho các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có thêm nhiều dư địa hơn để triển khai các điều chỉnh kinh tế của mình.

Trong vai trò là một khách hàng chính của các hàng hóa cơ bản, Trung Quốc sẽ tận dụng thời cơ giá hàng hóa sụt giảm này để vận hành cỗ máy kinh tế với chi phí thấp. Báo cáo của Merrill Lynch ước tính, nếu giá dầu thô và quặng sắt tiếp tục ở mức thấp như hiện tại trong những tháng còn lại của năm nay, Trung Quốc có thể tiết kiệm được khoảng 4,5 tỷ USD mỗi tháng so với một năm trước đây. Điều này sẽ giúp gia tăng đáng kể thặng dư tài khoản vãng lai.

Bên cạnh đó, báo cáo trên cho rằng, thặng dư thương mại của Trung Quốc cũng sẽ được nâng lên, nhờ đó giúp giảm bớt áp lực đối với chính phủ trong việc phải tiến hành bất kỳ gói nới lỏng quy mô lớn nào. Hơn nữa, giá hàng hóa giảm cũng giúp làm giảm áp lực lạm phát và tạo nhiều dư địa hơn cho chính phủ Trung Quốc trong tiến hành các biện pháp nới lỏng theo mục tiêu đề ra.

Giá dầu thô đã bắt đầu xu hướng giảm từ đầu tháng 7 vừa qua và đến nay đã giảm đáng kể so với đỉnh giá gần nhất. Vào phiên giao dịch đầu tuần này, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 12 trên sàn giao dịch New York đã giảm xuống dưới 80 USD/thùng, tức giảm tới trên 27 USD/thùng từ mức 107 USD/thùng vào ngày 20/6. Giá dầu thô Brent giao tháng 12 cũng giảm xuống mức 86 USD/thùng trong phiên giao dịch này, qua đó ghi nhận mức sụt giảm tới 25% so với mức đỉnh 4 tháng trước. Các mặt hàng khác, bao gồm quặng sắt và than đá cũng không phải là ngoại lệ khi cũng trải qua chu kỳ sụt giảm mạnh.

Theo nhà nghiên cứu Liu Jun tại BoC International Futures, sự phục hồi khá mạnh ở phía đầu cung trong khi cầu chưa có nhiều cải thiện chính là một nguyên nhân của giá dầu mỏ giảm vừa qua. Điển hình là tại Libya, nơi sản lượng dầu trong những tháng qua đã có sự phục hồi mạnh vượt xa dự đoán. Trong tháng 9, sản lượng dầu thô của Libya đã được đẩy lên tới 810 nghìn thùng mỗi ngày, tăng gần gấp bốn lần so với tháng 6.

Trong khi đó, nguồn cung cấp dầu từ Iraq hầu như không bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến khốc liệt với lực lượng IS hiện nay. Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cũng chưa cho thấy dấu hiệu nào về việc có thể giảm sản lượng cung của mình trong bối cảnh Saudi Arabia đang cố gắng trong cuộc chiến tranh giành thị phần nguồn cung. Trong khi đó, dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho thấy, nước này vẫn đang đẩy mạnh khai thác dầu đá phiến với sản lượng mỗi ngày đã tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước trong ba quý vừa qua.

Mặc dù nguồn cung ngày càng tăng, nhưng phía cầu chưa cải thiện, thậm chí còn giảm đi do triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm. Nhiều công ty dự báo giá dầu sẽ tiếp tục ở mức thấp. Như Merrill Lynch dự báo giá dầu thô Brent sẽ chỉ mức 98 USD/thùng trong năm tới trong khi Goldman Sachs hạ dự báo giá dầu Brent 15 USD so với trước đây. Theo đó, giá sẽ chỉ mức 85 USD/thùng trong quý I/2015.

Trong bối cảnh suy yếu nhu cầu trên toàn thế giới thì xu hướng ở Trung Quốc dường như ngược lại. Nhập khẩu quặng sắt của nước này đạt 700 triệu tấn từ tháng 1-9 vừa qua, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm trước. Cũng trong giai đoạn này, nhập khẩu dầu thô đạt 230 triệu tấn, tăng 8,3% so với cùng kỳ. Nhu cầu đối với sản phẩm nông nghiệp và đồng cũng tăng lên nhanh chóng. Theo tính toán của Merrill Lynch, Trung Quốc là một trong những nhà nhập khẩu ròng dầu thô và quặng sắt hàng đầu. Các hàng hóa này lần lượt chiếm 11,3% và 5,4% tổng nhập khẩu của Trung Quốc trong năm 2013.

Đỗ Phạm