Ông Tú khẳng định nhiều năm qua, 90 triệu người dân Việt Nam phải tiêu thụ đường ăn với giá cao gấp rưỡi, thậm chí có thời điểm gấp đôi thế giới. “Hiện tại, giá bán đường giao tại cửa các nhà máy trong nước đang cao khoảng gấp rưỡi giá đường ăn thế giới. Và tình trạng đó chỉ có lợi cho một bộ phận nhỏ trong xã hội”- ông Tú nói.
Lý do, ông Tú chỉ thẳng dù được bảo hộ nhưng những năm qua, Hiệp hội Mía đường và các doanh nghiệp mía đường VN đãkhông quan tâm đúng mức đến đổi mới và phát triển ngành. Năng suất trồng mía bình quân của Việt Nam hiện nay là 60 tấn mía/ha trong khi năng suất của Thái Lan xấp xỉ 100 tấn/ha, của Hoàng Anh -Gia Lai (tại Lào) là 120 tấn/ha. Công suất của các nhà máy đường trong nước thấp, trung bình chỉ từ 3.400 tấn mía/ngày, trong khi công suất hiệu quả cần tối thiểu từ 6.000 -8.000 tấn mía/ngày. Bên cạnh đó, Hiệp hội Mía đường chưa phổ biến rộng rãi công nghệ mới để giảm lãng phí nguyên liệu...
Ông Tú cũng chỉ rõ nông dân cũng thiệt hại với ngành mía đường. Nông dân chủ yếu vẫn tự trồng mía và bán cho nhà máy theo phương thức “mua đứt, bán đoạn”và họ luôn ở thế yếu. Khi giá bán đường trong nước lên cao, các nhà máy chưa quan tâm chia sẻ lợi ích, đến khi giá xuống thì gánh nặng lại dồn hết lên vai người nông dân, dẫn đến tình trạng “được mùa, mất giá; được giá mất mùa”.