Giá dầu thô tiếp tục vỡ đáy 4 năm

Thị trường dầu ngày 14-10 đã rơi vào trạng thái hoảng loạn sau khi Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đưa ra báo cáo tăng trưởng nguồn cầu ảm đạm nhất từ năm 2009.

Giá nhiên liệu giảm sẽ có lợi cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, sụt giảm giá là một triệu chứng đáng lo ngại về nền kinh tế toàn cầu -Ảnh: Internet


Dầu Brent đã rớt xuống mức sàn 4 năm, dầuWTI giảm mạnh nhất kể từ năm 2012. Dầu kỳ hạn trên sàn London giảm 4,3% còn 85,04 USD/thùng và trên sàn New York giảm 4,6% còn 81,84 USD/thùng.

Dầu Brent giao tháng 11 trên sàn ICE Futures Europe, London (Anh) giảm 3,85 USD - mức thấp nhất kể từ ngày 23-11-2010. Giá dầu Brent trong năm nay đã trượt 23%.

Dầu WTI giao tháng 11 trên sàn New York Mercantile Exchange giảm 3,90 USD, xuống mức thấp nhất kể từ ngày 28-6-2012 và là mức giảm mạnh nhất từ ngày 7-11-2012. Khối lượng giao dịch gần gấp đôi mức trung bình 100 ngày. Dầu WTI thấp hơn dầu Brent là 3,20 USD, so với hôm 13-10 là 3,15 USD.

Báo cáo từ IEA cho biết lượng tiêu thụ dầu năm nay sẽ chỉ tăng khoảng 650.000 thùng/ngày - thấp hơn mức dự báo trước đó 250.000 thùng.

Giá xăng kỳ hạn trên sàn Nymex đã giảm 7,51 cent, khoảng 3,3%, và đóng cửa ở mức 2,1802 USD/gallon - mức thấp nhất kể từ ngày 23-11-2010. Giá xăng bơm toàn nước Mỹ ngày 13-10 giảm 1,3 centcòn 3,186 USD/gallon - mức thấp nhất kểtừ ngày 12-11-2013, theo Hiệp hội Ôtô Mỹ (AAA).

Dầu diesel có lượng lưu huỳnh siêu thấp giao tháng 11 giảm 8,46 cent, khoảng 3,3%, còn 2,4722 USD/gallon - mức thấp nhất kể từ ngày 14-12-2010.

Dầu kỳ hạn đã bước vào thị trường giảm khi sản lượng của Mỹ tăng lên mức cao nhất trong gần 30 năm nhờ nguồn đá phiến dồi dào, trong khi đó nhu cầu toàn cầu lại giảm. Nguồn cung dầu Mỹ trong tuần qua có thể đã tăng 2,5 triệu thùng, theo khảo sát Bloomberg trước khi Cơ quan Năng lượng công bố dữ liệu chính thức vào ngày 16-10 tới.

Các nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới trong nhóm OPEC đã phản ứng lại bằng cách giảm giá, làm dấy lên lo ngại rằng họ sẽ chọn cách cạnh tranh để giành thị phần, thay vì giảm sản lượng.

"Giá nhiên liệu giảm sẽ có lợi cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, sụt giảm giá là một triệu chứng đáng lo ngại về nền kinh tế toàn cầu. Lợi ích của người tiêu dùng sẽ không cải thiện tình trạng suy thoái".

Chủ tịch Jason Schenker của Prestige Economics LLC

Các nước OPEC tranh nhau giảm giá

Nhóm OPEC, cung cấp khoảng 40% lượng dầu thô trên thế giới, đang tăng sản lượng do các thành viên cạnh tranh giành thị phần và cố gắng thúc đẩy nhu cầu trong nước.

Trong tháng 9, OPEC đã bơm 30,935 triệu thùng/ngày - mức cao nhất kể từ tháng 8-2013. Sản lượng của Lybia tăng mạnh nhất, từ 280.000 thùng/ngày lên 780.000 thùng/ngày sau đợt tăng thứ 5 liên tiếp.

Theo chân Saudi Arabia và Iran, Iraq hôm 12-10 cho biết sẽ bán dầu Basrah Light cho châu Á với mức giá giảm mạnh nhất kể từ tháng 1-2009. Các nhà sản xuất dầu mỏ Trung Đông hầu như luôn làm theo sự chỉ đạo giá từ Saudi Arabia - thành viên xuất khẩu lớn nhất của OPEC.

JPMorgan Chase & Co nhận định Saudi Arabia cần giảm mạnh giá dầu bán cho châu Á từ 70 cent tới 1 USD/thùng để khôi phục vị thế cạnh tranh với các nhà cung cấp khác của Đông Âu và Tây Phi.