Giá dầu thô đảo chiều tăng mạnh nhất kể từ tháng 8/2012

Giá dầu thô trên thị trường thế giới bật khỏi mức thấp của hơn 5 năm trong phiên giao dịch ngày 19/12 sau khi bộ trưởng dầu mỏ Saudi Arabia đưa ra những nhận định lạc quan về thị trường.

Hãng thông tấn xã nhà nước Saudi Press Agency ngày hôm qua dẫn lời Bộ trưởng dầu mỏ Saudi Arabia ông Ali Al-Naimi cho biết, sự sụt giảm của giá dầu chỉ là tạm thời. Ông cũng nói rằng sẽ “rất khó, nếu không muốn nói là không thể” để OPEC kìm hãm sản xuất trong bối cảnh nguồn cung dồi dào như hiện nay. Sau phát biểu này giá dầu đã bật tăng ngay lập tức. Theo ước tính của BP Plc thì Saudi Arabia chiếm 13% tổng sản lượng dầu toàn cầu trong năm ngoái.

Trên sàn giao dịch Nymex, giá dầu WTI giao tháng 2 tăng 2,77 USD tương đương 5,1% lên 57,13 USD/thùng – mức tăng tính theo điểm phần trăm lớn nhất kể từ tháng 8/2012. Tính chung tuần, giá dầu vẫn giảm 2,2% và giảm tổng cộng 43% kể từ đầu năm.

Trên sàn giao dịch ICE, giá dầu Brent hôm qua tăng 2,11 USD tương đương 3,6% lên 61,38 USD/thùng và đã giảm 45% kể từ đầu năm tới nay.

Giá dầu đã giảm hơn 20% kể từ phiên họp của OPEC ngày 27/11 quyết định giữ nguyên sản lượng trong bối cảnh nguồn cung dồi dào và tăng trưởng nhu cầu yếu. Sản lượng dầu khí đá phiến của Mỹ năm nay ở mức cao nhất trong 3 thập kỷ và đang cạnh tranh thị phần với 12 nước OPEC.

Cũng theo thông tấn Saudi Press Agency, ông Ali-Naimi nói rằng thị trường dầu mỏ hiện nay chỉ là “bất ổn tạm thời” do suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng ông cũng lạc quan về tương lai khi “nền kinh tế sẽ hồi phục nhanh trở lại và thúc đẩy nhu cầu”.

Trước đó, ngày 14/12, Bộ trưởng dầu mỏ của Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất đã nhận định OPEC sẽ không cắt giảm sản lượng khi mà các nước khác đang đẩy mạnh khai thác. Khối này sẽ giữ nguyên sản lượng ngay cả khi giá dầu giảm xuống 40 USD/thùng và phải chờ ít nhất 3 tháng trước khi xem xét một cuộc khẩn cấp.

Trên bản đồ dầu mỏ hiện nay thì Nga đang là nước sản xuất lớn nhất. Nguồn thu từ dầu chiếm hơn một nửa tổng nguồn thu ngân sách của Nga, vì thế giá dầu giảm đang là gánh nặng đè lên vai của tổng thống Putin.

Trong cuộc họp báo quốc tế ngày 18/12 vừa qua, tổng thống Nga đã nói rằng nền kinh tế sẽ rất khó khăn và phải thích ứng với việc giá dầu có thể giảm xuống 40 USD/thùng. Ông cũng nói sự sụt giảm của giá dầu có thể là do cuộc chiến giành thị phần giữa các nhà sản xuất dầu truyền thống và các công ty đá phiến dầu.

Hoạt động khai thác dầu khí đá phiến ở Mỹ đang bùng nổ, trong đó 3 vùng sản xuất lớn nhất là Eagle Ford và Permian ở Texas và Bakken ở North Dakota đã khai thác sản lượng cao kỷ lục trong tháng 11, theo báo cáo của Viện xăng dầu Mỹ. Trước đó, Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cũng có báo cáo cho thấy, sản lượng dầu của nước tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới này đã lên đến 9,14 triệu thùng/ngày – cao nhất kể từ tháng 1/1983.

Theo các chuyên gia, việc OPEC giữ sản lượng là muốn cạnh tranh với các nhà khai thác dầu khí đá phiến Mỹ, trong khi mục tiêu lớn nhất của các nhà khai thác Mỹ là phục vụ nhu cầu sản xuất của họ. Dù sao, cuộc cạnh tranh này trước hết có lợi cho người dùng đó là giá giảm nhanh.

Triển vọng của giá dầu tuần tới, một cuộc khảo sát của Bloomberg với 35 nhà phân tích và thương nhân cho thấy, có 15 người tương đương 43% dự báo giá sẽ giảm, trong khi 11 ý kiến dự báo giá tăng và 9 người nói rằng thị trường sẽ không mấy thay đổi.

Ngọc Toàn