Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 50 cent, tương ứng 1,1%, lên 46,75 USD/thùng. Giá dầu Brent tăng 18 cent, hay tăng 0,4%, lên 50,68 USD/thùng.
Như vậy, giá dầu đã có 5 phiên tăng trong 6 phiên trở lại đây, với dầu WTI tăng 22%, còn dầu Brent tăng 19% so với mức thấp nhất 6 năm ghi nhận hôm 24/8.
Thị trường chứng khoán tăng điểm cũng giúp cải thiện viễn cảnh nhu cầu năng lượng.
Giá dầu được hỗ trợ sau khi ECB phát tín hiệu sẽ kéo dài chương trình kích thích kinh tế.
Trong phiên họp chính sách ngày 3/9, ECB tuyên bố giữ nguyên lãi suất ở mức thấp kỷ lục 0,05%. Tuy nhiên, ECB lại hạ dự báo lạm phát năm 2016 xuống 1,1%, thấp hơn so với mức 1,5% dự báo hồi tháng 6.
Bên cạnh đó, Chủ tịch ECB Mario Draghi để ngỏ khả năng mở rộng chương trình mua trái phiếu, hay còn gọi là chương trình nới lỏng định lượng (QE), và nhấn mạnh chương trình QE - theo đó ECB mua 60 tỷ Euro trái phiếu chính phủ mỗi tháng - có thể kéo dài qua thời hạn tháng 9/2016.
Sau tín hiệu này từ ECB, thị trường chứng khoán toàn cầu đồng loạt khởi sắc kéo theo giá hàng hóa tăng.
Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu chững lại vào cuối phiên sau số liệu dự trữ dầu thô cũng như thị trường việc làm.
Theo số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), dự trữ dầu thô trong tuần kết thúc vào này 28/8 của Mỹ tăng 4,7 triệu thùng lên 455,4 triệu thùng, ghi nhận tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 4.
Bên cạnh đó, Bộ Lao động Mỹ cho biết trong tuần kết thúc vào ngày 28/8, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ tăng 12.000 đơn lên 282.000 đơn, dấy lên đồn đoán Fed chưa tăng lãi suất trong phiên họp chính sách ngày 16-17/9 tới.