Tăng trưởng kinh tế của Ả Rập Xê Út được dự đoán chậm lại trong năm nay vì giá dầu sẽ vẫn ở mức thấp - Ảnh: Reuters |
Nguyên nhân khiến giá dầu giảm trong thời gian qua là do nguồn cung đã vượt quá nhu cầu tiêu thụ của toàn thế giới. Trong khi sự cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu dầu thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) với các nhà sản xuất dầu Mỹ cũng đang rất căng thẳng.
"Đây là thời điểm đáng sợ", Khalid Alsweilem, cựu trưởng phòng đầu tư của ngân hàng trung ương Ả Rập Xê Út, nhận xét. Theo Bloomberg, các nhà kinh tế dự đoán thâm hụt ngân sách của Ả Rập Xê Út khoảng 20% GDP. Dự trữ ngoại hối ở ngân hàng trung ương đã giảm hơn khoảng 70 tỉ USD tương đương 10% so với năm qua.
Robert Burgess, chuyên gia kinh tế của ngân hàng Deutsche Bank AG, cho rằng Ả Rập Xê Út đang chơi trò chơi chờ đợi. Điều mà Ả Rập Xê Út và các nước xuất khẩu dầu chờ đợi là giá dầu tăng trở lại. Bởi với việc giá dầu giảm hơn 50% trong 12 tháng qua xuống 40 USD/thùng, Ả Rập Xê Út đang đối mặt với nhiều vấn đề tài chính như nước này đã từng gặp trước đây vào thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Á năm 1998.
Jamal Khashoggi, cựu cố vấn truyền thông của hoàng tử Turki al-Faisal, cho rằng chính phủ Ả Rập Xê Út không cần phải cắt giảm chi tiêu và tăng thuế hơn nữa giống như các biện pháp khắc khổ ở một số nước châu Âu hiện nay.
Thay vào đó, chính phủ có thể dừng mở rộng 2 nhà thờ ở Mecca hoặc đánh thuế các chủ đất giàu có. Chính quyền có rất nhiều việc để làm trước khi đụng chạm đến cuộc sống bình thường của người dân Ả Rập Xê Út.
"Vâng, đây là thời điểm khó khăn. Và có thể mọi việc đã tốt hơn nhiều nếu như trong một vài năm trước khi giá dầu khoảng 100 USD/thùng chúng ta làm những gì như chúng ta đang làm hiện nay", Jamal Khashoggi nói.
Trong khi đó, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) khuyên Ả Rập Xê Út nên kiểm soát bảng chi tiền lương đang ngày càng tăng, thay đổi chính sách trợ cấp nhiên liệu và điện năng. IMF dự đoán tăng trưởng kinh tế của Ả Rập Xê Út sẽ chậm lại trong năm nay vì giá dầu sẽ vẫn ở mức thấp.
Theo báo cáo của tập đoàn tài chính Samba Financial Group vào trung tuần tháng 8, chỉ riêng tiền trợ cấp nhiên liệu cho người dân trong năm nay đã tiêu tốn 52 tỉ USD, tương đương khoảng 8% GDP. Mới đây, Thống đốc ngân hàng trung ương Fahad al-Mubarak kêu gọi cần xem lại giá trợ cấp xăng dầu.
"Chính phủ Ả Rập Xê Út sẽ không thể tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua các dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ và không thể tiếp tục giữ chế độ trợ cấp và chi tiêu xã hội lãng phí như hiện nay", Farouk Soussa, kinh tế trưởng khu vực Trung Đông của tập đoàn Citigroup, nhận xét.