Giá dầu hạ:

Giá dầu hạ: "Mối đe dọa" kiêm "món hời" đối với nền kinh tế toàn cầu

Giá dầu mỏ lại lao dốc là một dấu hiệu đáng lo ngại về sự yếu kém của nền kinh tế toàn cầu và có thể làm lung lay các chính quyền vốn phụ thuộc vào lợi nhuận thu được từ dầu mỏ.

Tuy nhiên, điều này cũng là một món hời đối với người tiêu dùng khi giá dầu giảm mạnh đã giúp họ có thêm một khoản dư để chi tiêu vào việc khác đồng thời giúp hạ giá thành sản xuất cho rất nhiều doanh nghiệp.

Lần trượt giá gần đây nhất diễn ra ngay sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) quyết định giữ nguyên mức sản lượng là 30 triệu thùng/ngày do lo ngại sẽ bị mất thị phần nếu cắt giảm sản lượng. Một phần là do sự bùng nổ của dầu đá phiến ở Mỹ khiến thế giới "chìm ngập" trong dầu đúng vào lúc nhu cầu giảm sút ở những nền kinh tế lớn. Theo các chuyên gia phân tích, nguồn cung dầu mỏ trên toàn cầu đã vượt quá nhu cầu khoảng 700.000 thùng một ngày.

Dầu giảm giá đã tạo ra một món hời đối với những nước tiêu thụ ở các khu vực nhập khẩu dầu như châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ. Tuy nhiên, cũng đặt ra một số vấn đề tiêu cực tiềm tàng. Tại khu vực Bắc Mỹ, nền kinh tế Mỹ sẽ thu được một món lợi lớn từ bên ngoài do Mỹ là quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới. Người tiêu dùng Mỹ hài lòng khi giá khí đốt dự kiến sẽ giảm xuống ở mức 1 USD/gallon, so với mức đỉnh 3,7 USD hồi tháng 6-2014. Cũng như vậy, tại một số nền kinh tế châu Âu chuyên nhập khẩu ròng dầu mỏ, việc giá dầu lao dốc có thể sẽ tạo ra một cú hích nhỏ cho tăng trưởng kinh tế, giúp cắt giảm giá thành sản xuất cho các ngành công nghiệp và giúp người tiêu dùng có thêm tiền đút túi. Tuy nhiên, giá nhiên liệu giảm cũng khiến khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone) "đau đầu" do lạm phát thấp, khiến những nền kinh tế khó khăn như Hy Lạp khó có thể cắt giảm nợ. Ngoài ra, một số nước châu Âu sản xuất dầu mỏ, chủ yếu là Anh và Na Uy ở biển Bắc phải đối mặt với việc lợi nhuận sụt giảm và điều này có thể sẽ bằng với lợi ích thu được từ giá nhiên liệu thấp.

Tại Nga, 50% ngân sách của nước này là nguồn thu từ hoạt động xuất khẩu dầu, nên chính phủ Nga rất lo ngại về giá dầu giảm. Nền kinh tế Nga đã trượt dốc vào suy thoái do tác động của các biện pháp trừng phạt của phương Tây và việc các nhà đầu tư thoái vốn khỏi đây. Tại Trung Quốc, giá nhiên liệu rẻ hơn sẽ làm giảm áp lực tài chính đối với những cơ sở chế tạo công nghiệp và các doanh nghiệp nhỏ trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế của nước này đã sụt giảm từ từ trong 2 năm qua.

Tại một số khu vực khác ở châu Á, tác động là rất đa dạng. Ở Indonesia, giá nhiên liệu tăng do Chính phủ thôi không trợ giá. Cho nên lần giảm giá dầu thô gần đây nhất có thể sẽ giúp giảm căng thẳng. Malaysia là một trong số ít những nước xuất khẩu dầu mỏ ở châu Á nên việc giá dầu giảm có thể khiến ngân khố nước này bị tổn thương. Tuy nhiên, điều này cũng giúp Malaysia giảm các khoản trợ giá nhiên liệu đắt đỏ.