Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu WTI của Mỹ trên sàn New York giảm 1,79 USD, hay giảm 3,9%, xuống 44,15 USD/thùng. Giá dầu Brent trên sàn ICE giảm 1,94 USD, tương ứng 3,9%, xuống 47,58 USD/thùng.
Giá 2 loại dầu này đều xuống thấp nhất kể từ ngày 27/8 và giảm 59% so mức đỉnh hồi tháng 6/2014.
Giá dầu giảm do lo ngại về lượng dầu lưu kho tăng cao, sản lượng dầu toàn cầu tiếp tục đạt kỷ lục và khả năng Iran quay lại thị trường xuất khẩu trong khi kinh tế Trung Quốc giảm tốc ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu dầu thô của nước tiêu thụ dầu lớn thứ 2 thế giới này.
Tình trạng dư cung sẽ tiếp tục gây sức ép lên giá dầu. Trong báo cáo hàng tháng, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đã hạ dự báo giá dầu Brent và WTI trong năm nay và năm 2016.
Theo đó, giá dầu WTI năm nay được hạ xuống mức 49,23 USD/thùng từ 49,62 USD/thùng trước đó và năm 2016 giảm xuống 53,57 USD/thùng từ 54,42 USD/thùng trước đó. Giá dầu Brent năm 2015 được giảm xuống 54,07 USD/thùng từ 54,40 USD/thùng trước đó và năm 2016 giảm xuống 58,57 USD/thùng, giảm 1,4% so với dự báo trước đó.
Viện Dầu mỏ Mỹ (API) hôm 9/9 cho biết lượng dầu lưu kho của Mỹ tuần qua tăng 2,1 triệu thùng, nguồn cung xăng tăng 700.000 thùng và dự trữ sản phẩm chưng cất tăng 800.000 thùng.
Mặc dù sản lượng dầu thô của Arập Xê út trong tháng 8 giảm 100.000 thùng/ngày xuống 10,26 triệu thùng/ngày, nhưng sản lượng dầu thô của OPEC tháng 8 vẫn đạt gần mức kỷ lục là 31,26 triệu thùng/ngày và cao hơn so với mục tiêu sản lượng 30 triệu thùng/ngày của Khối này.
Nga và Mexico cũng tuyên bố sẽ không giảm sản lượng, xua tan đồn đoán một số nước sản xuất sẽ hợp tác để giảm sản lượng nhằm hỗ trợ giá dầu.