"Giá dầu có thể giảm về mức 15 USD/thùng"

Sự kết hợp giữa lượng dầu tồn kho tăng cao và đồng USD mạnh có thể đẩy giá dầu về mức 15 USD/thùng trong thời gian từ nay tới cuối năm - chuyên gia hàng hóa cơ bản Dennis Gartman đánh giá trong một chương trình trả lời phỏng vấn hãng tin CNBC.

"Trong nhiều tháng qua, tôi đã nói là giá dầu sẽ di chuyển từ trên cao bên trái xuống phía thấp hơn bên phải của biểu đồ. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu giá dầu giảm xuống còn khoảng 15 USD/thùng", Gartman nói. Chuyên gia này là nhà xuất bản trang tin tài chính The Gartman Letter.
Giá dầu thế giới đã giảm nhanh và liên tục trong 6 tháng qua, "bốc hơi" hơn 50%. Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng bức tranh kinh tế khởi sắc của cả Mỹ và châu Âu sẽ giúp giá dầu hồi phục.

Đầu tháng 2 vừa qua, giá dầu thô bất ngờ bật tăng mạnh sau khi chạm đáy của 6 năm. Tuy vậy, theo chuyên gia Gartman, có một vấn đề là nguồn cung dầu đang dư thừa quá nhiều, bởi vậy bất kỳ đợt phục hồi nào của giá nhiên liệu cũng sẽ không bền.

Những gì đang diễn ra "không thể hiện một thị trường giá lên (bull market). Đó là biểu hiện của một thị trường giá xuống (bear market)", Gartman phát biểu.

Chuyên gia này cũng nói rằng, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiến tới tăng lãi suất và nền kinh tế Mỹ phục hồi khả quan sẽ giúp đồng USD duy trì sức mạnh trong thời gian tới, tạo thêm áp lực giảm giá cho dầu thô.

Phiên giao dịch ngày thứ Sáu (20/3), giá dầu thô tăng mạnh do đồng USD giảm giá so với các đồng tiền chủ chốt khác.

Lúc đóng cửa tại thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 5 tăng 1,76 USD/thùng, tương đương tăng 4%, chốt ở 45,72 USD/thùng. Tại London, giá dầu thô Brent biển Bắc đóng cửa tăng 0,89 USD/thùng, tương đương tăng 1,6%, đạt 55,32 USD/thùng.

Tính chung cả tuần, giá dầu Brent tăng 1,2% còn giá dầu ngọt nhẹ tăng được 2%.

Tuy vậy, giống như Gartman, nhiều chuyên gia vẫn đang đưa ra những dự báo cho rằng giá dầu sẽ giảm sâu hơn.

Hãng tin Bloomberg cho biết, các nhà máy lọc dầu đơn giản của Nga chuyên chế biến dầu thô thành dầu mazut đang giảm hoạt động. Nhu cầu tiêu thụ dầu thô làm đầu vào của các nhà máy này giảm xuống có thể khiến tình trạng dư thừa dầu toàn cầu trở nên nghiêm trọng hơn, làm sức ép giảm giá dầu càng lớn.

Do giá dầu giảm mạnh, Chính phủ Nga đã giảm mức chiết khấu mà các nhà máy lọc dầu đơn giản này nhận được khi xuất khẩu sản phẩm. Vì lý do này mà các nhà máy giảm hoạt động. Lượng dầu thô dôi ra từ việc các nhà máy này thu hẹp chế biến sẽ được đẩy sang cho xuất khẩu.

Theo ông James Henderson, chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford, xuất khẩu dầu của Nga có thể tăng thêm tới 250.000 thùng/ngày trong năm nay, tương đương mức tăng 5%, mạnh nhất trong vòng ít nhất 1 thập kỷ trở lại đây.

"Khó khăn mà Nga gặp phải do giá dầu giảm lại khiến nước này càng có thêm nhiều dầu cho xuất khẩu. Đó là do nhiều nhà máy lọc dầu đơn giản của Nga sẽ phải giảm hoạt động", ông Henderson nhận xét.

Năm 2014, Nga xuất khẩu 4,48 triệu thùng dầu mỗi ngày, giảm 6,1% so với năm 2013. Mức tăng xuất khẩu dầu mạnh nhất của Nga trong 1 thập kỷ qua là 3,6%, đạt được vào năm 2009.
Theo Diệp Vũ
VnEconomy