Nhân viên công chức Sachin Kenjale tại Mumbai thường xuyên kết thúc ngày làm việc của mình với một tách cà phê hòa tan, sau khi anh này bắt đầu uống cà phê cùng bạn bè 2 năm trước đây.
Hiện nay, nhu cầu thưởng thức cà phê nhanh và rẻ đang lan nhanh tại Châu Á, nơi văn hóa trà đã thống trị nhiều năm. Theo các quan chức ngành công nghiệp cà phê, loại nhu cầu trên đang thúc đẩy thị phần của loại cà phê Robusta trong việc chế biến cà phê hòa tan so với loại cà phê Arabica đắt tiền vào cuối thập kỷ này.
Trong tình hình đó sẽ có sự thay đổi lớn trên thị trường, khi sự nổi tiếng của loại cà phê Robusta sẽ tăng cao tại các nước đang phát triển với xu hướng uống cà phê nhanh và rẻ, một lợi thế cho những nước xuất khẩu cà phê Robusta chính như Việt Nam và Indonesia.
Tuy nhiên, những trang trại trồng cà phê Arabica tại Mỹ La Tinh và Tây Phi đang lo ngại sự tăng trưởng của loại cà phê Robusta rẻ tiền sẽ đe dọa thị phần cà phê Arabica của họ, loại cà phê khó trồng hơn nhưng có hương vị ít đắng và thơm hơn, một hương vị thường được ưa chuộng tại thị trường Châu Âu và Bắc Mỹ.
Giám đốc điều hành cơ quan thương mại Ric Rhinehart tại Specialty Coffee Association of America cho rằng "Sản lượng sản xuất cà phê Robusta đang tăng trưởng hàng năm và sẽ còn tiếp tục phát triển. Nhưng tôi nghĩ thế giới sẽ kém hấp dẫn hơn nếu chúng ta thiếu cà phê Arabica".
Cơ quan thương mại thuộc Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) dự đoán nhu cầu cà phê thế giới sẽ tăng từ 150 triệu túi loại 60 kg hiện nay lên 175 triệu túi vào năm 2020 với giá trị hơn 50 tỷ USD theo mức giá hiện tại. Theo số liệu từ ICO và Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), nhu cầu tăng cao cho loại cà phê Robusta là một trong những nguyên nhân chính tạo nên sự tăng trưởng trên.
Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Reuters của một công ty cà phê lớn, với mức tăng trưởng như hiện nay thì thị phần cà phê Robusta- chiếm 40% thị phần- sẽ sớm vượt qua thị phần cà phê Arabica vào năm 2020. Theo một nhà nhập khẩu cà phê từ công ty quốc tế này, thị phần cà phê Robusta trên thế giới sẽ chiếm 50% vào cuối thập kỷ này.
Tổng giám đốc đại lý tại Mỹ Samuel Demisse của công ty Keffa Coffee, một công ty chuyên bán buôn cà phê Arabica, nhận định việc nhu cầu sử dụng cà phê Robusta tăng mạnh là do tăng trưởng nhu cầu sử dụng cà phê hòa tan và những loại cà phê bình dân. Giá bán lẻ của 100 gr cà phê hòa tan chỉ khoảng 5 USD, trong khi của cà phê Arabica là 10 USD.
Xu thế xã hội
Các quan chức trong ngành cà phê cho biết sự gia tăng nhu cầu sử dụng cà phê hòa tan phần lớn đến từ các thị trường đang phát triển tại Châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ, khi người tiêu dùng đang chuyển từ việc uống trà sang cà phê.
Người tiêu dùng có thể bị tác động bởi những quảng cáo truyền hình cho thấy những người thành đạt và hạnh phúc ưa chuộng sử dụng cà phê hòa tan, gián tiếp tạo ra sự nhầm lẫn giữa việc chọn đồ uống với đẳng cấp xã hội, do các công ty thực phẩm và đồ uống muốn thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng vào sản phẩm.
Tiềm năng của thị trường tại Ấn Độ và Trung Quốc vẫn còn rất lớn khi mỗi người tiêu dùng tại đây chỉ sử dụng trung bình 5 tách cà phê/1 năm, trong khi con số này là 1000 tách tại Châu Âu.
Anh Kenjale cho biết anh vẫn thích uống trà vào buổi sáng và anh đang là người duy nhất trong gia đình có thói quen uống cà phê.
Ngoài ra, nhu cầu thưởng thức đồ uống cũng đang tăng lên tại Đông Nam Á. Bằng chứng là tình hình xuất khẩu cà phê của Indonesia đã giảm do nhu cầu cà phê tại thị trường nội địa tăng.
Trong khi nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới là Brazin đang trồng cả Arabica lẫn Robusta thì các nước xuất khẩu cà phê khác tại Nam và Trung Mỹ như Côlômbia và Mêhicô đang lo lắng về sự tăng trưởng thị phần của cà phê Robusta do họ chỉ tập trung xuất khẩu những loại cà phê đắt tiền.
Theo Chủ tịch Carlos Ignacio Rojas của Hiệp hội Xuất khẩu Cà phê Côlômbia (CNCEA), "Đây là một thách thức. Chúng tôi không thể cạnh tranh về giá so với loại cà phê Robusta".
Theo số liệu của ICG, Việt nam là nước xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 thế giới, với 1,8 triệu túi loại 60 kg được xuất khẩu trong tháng 10/2014. Loại cà phê Robusta chiềm khoảng 90% sản lượng cà phê ở Việt Nam.