Trong sự kiện "Gateway to Vietnam" được CTCP Chứng khoán Sài Gòn tổ chức ngày 11/9, một nhóm diễn giả đã thảo luận về ngành hàng tiêu dùng và những cơ hội đầu tư mới vào ngành này, giống với chủ đề của sự kiện năm nay là "Tìm kiếm cơ hội đầu tư mới tại Việt Nam".
Các diễn giả tham gia cuộc thảo luận này đến từ các công ty như Marou Chocolate, Pham Nguyen Confectionery, Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam và Sài Gòn Coop. Điều hành cuộc thảo luận này là ông Michael Rosen, Giám đốc Điều hành Công ty Pan-Pacific Vietnam - một công ty đang đầu tư rất nhiều vào ngành nông nghiệp Việt Nam.
Các diễn giả nhìn chung đánh giá thị trường tiêu dùng tại Việt Nam còn tiềm năng rất lớn, cả về sản xuất lẫn tiêu thụ.
Theo ông Nguyễn Quốc Vọng, thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam (SSC), ngành nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, với giá trị khoảng 38-38 triệu USD, nhưng xuất khẩu chỉ đạt khoảng 27-28 tỷ USD vào năm ngoái. Các mặt hàng xuất khẩu lớn nhất Việt Nam là gạo, cà phê, cao su chỉ đạt trị giá 3 tỷ USD/năm. Mức tăng trưởng chủ yếu về trồng trọt, không đầu tư về chế biến, xử lý nên thất thoát nhiều nông sản trong quá trình lưu trữ.
Việt Nam sản xuất 44 triệu tấn gạo trong năm ngoái, trong khi nước Úc chỉ sản xuất được 1 triệu tấn nhưng kiếm lại được 1 tỷ USD, điều có có nghĩa với 1ha có thể kiếm 10.000 USD. Trong khi đó, ở Việt Nam có 7,9 triệu ha trồng lúa nhưng chỉ kiếm được 11 tỷ USD.
Lý giải về điều này, ông Vọng cho rằng Việt Nam không đầu tư vào các khâu sau thu hoạch.
“Chúng ta có thể đầu tư vào con giống nhưng không đầu tư về chế biến,” ông nói. “Bạn có thể ngạc nhiên khi thấy Việt Nam năm ngoái là quốc gia thứ 3 chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ nhưng giá trị xuất khẩu rất ít, khoảng 80% phục vụ cho nhu cầu trong nước. Thị trường nông nghiệp tiềm năng và rất lớn nhưng chúng ta chưa chú trọng vào đầu tư. Chúng ta chú ý đến sản lượng nhưng khách hàng không nhìn vào sản lượng, họ nhìn vào chất lượng.”
Theo ông Vọng, bất kỳ sản phẩm nào, cho dù là gạo, cao su hay cà phê, chúng ta phải đầu tư và phát triển chuỗi giá trị.
Đánh giá về ngành bán lẻ Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Sài Gòn Co.op – cho rằng ngành bán lẻ hiện đại của Việt Nam còn non trẻ, mới phát triển hơn 20 năm qua. Đối với một ngành còn non trẻ như vậy, thị trường Việt Nam rất có triển vọng dựa trên các yếu tố về dân số, mức gia tăng thu nhập bình quân theo đầu người, tầng lớp trung lưu ngày một đông lên.
Theo mục tiêu của Bộ Công Thương, đến 2020 nâng tỷ trọng của ngành bán lẻ hiện đại từ 22% lên 45% tổng giá trị bán lẻ. Nếu lấy GDP bình quân của nước ta ở mức 6% nhân 1,5 lần thì ra tốc độ phát triển của ngành thương mại bán lẻ, thương mại dịch vụ nói chung. Nếu nhân tiếp 1,5 lần nữa thì ra tốc độ tăng trưởng của ngành thương mại hiện đại. Với tốc độ này, trong vòng 5-6 năm, tỷ trọng ngành bán lẻ hiện đại sẽ có thể tăng lên gấp đôi như mục tiêu của Bộ Công Thương.
Đánh giá về năm nay, ông Hòa cho rằng tốc độ tăng trưởng có phần trầm lắng hơn vì ngành bán lẻ hiện đại và ngành bán lẻ nói chung phụ thuộc vào tình trạng của nền kinh tế.
Về mặt môi trường pháp lý, nhà nước của chúng ta đã thực hiện khá đầy đủ các cam kết về mở cửa. Trên thị trường có đầy đủ các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước. Các nhà đầu tư này đã triển khai nhiều mô hình kinh doanh khác nhau, từ trung tâm thương mại đến đại siêu thị, mô hình cửa hàng tiện lợi... Tất cả các “concept” trong ngành bán lẻ đã được triển khai ở nước ta. Giữa các doanh nghiệp cũng thực hiện hình thức đầu tư 100%, liên doanh liên kết hoặc gần đây là mua bán, chuyển nhượng. Như vậy, cơ hội đang mở ra cho các nhà đầu tư.
Cơ hội không chỉ đến với các nhà phân phối, bán lẻ, mà còn đến với các nhà sản xuất. Nếu chúng ta triển khai, đón đầu sẽ tận dụng được cơ hội đó.
Ông Christian Leitzinger, Giám đốc điều hành Pham Nguyen Confectionery, cũng đánh giá ngành hàng tiêu dùng nhanh ở Việt Nam đang mang lại nhiều cơ hội, được thể hiện qua các khuynh hướng như việc mở rộng nông thôn, tốc độ đô thị hóa giúp có sự phát triển về lâu dài và sự gia tăng của tầng lớp trung lưu.
Còn theo ông Vicent Mourou, đồng sáng lập công ty Marou Chocolate, thì tài sản lớn nhất mà Việt Nam đang có là tuổi trẻ mà nhiều người khao khát, những người trẻ thật sự mong muốn tìm kiếm cơ hội của mình.
Là một công ty trong ngành hàng tiêu dùng, nhưng Marou Chocolate mới thành lập được 3 năm với các nguyên liệu sản xuất sôcôla đều từ Việt Nam.
Ông Vicent cho biết Việt Nam không phải quốc gia nổi tiếng về sôcôla, rất ít thương hiệu có thể xuất khẩu, nên công ty gặp khó khăn ban đầu và đã phải nỗ lực rất nhiều.
Tuy nhiên, nhờ sự sáng tạo để tạo ra các sản phẩm cao cấp, công ty đã xây dựng được thương hiệu riêng của mình và đang trụ vững được trên thị trường.