Gạo Việt rẻ nhất vẫn thua đau: Để tránh con đường "chết"! 

Đưa ra mức giá thấp nhất để trúng thầu, các Tổng công ty lương thực ép giá doanh nghiệp, sau cùng ép giá nông dân hoặc xin bù lỗ từ ngân sách.

Đây là chiêu mà Vinafood 1, Vinafood 2 đã làm trong thời gian qua được PGS TS Nguyễn Văn Nam - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại chỉ ra. Tuy nhiên, trong thương vụ đấu thầu cung cấp 500.000 tấn gạo cho Philippines mới đây, chiêu bài đó đã không thể thực hiện được.

Ép giá nông dân, xin bù lỗ

Trong đợt đấu thầu 500.000 tấn gạo của Cơ quan lương thực quốc gia Philippines tổ chức vừa qua, có thông tin cho biết, Việt Nam cụ thể là Tổng công ty Lương thực miền Nam Vinafood 2 đã đưa ra mức giá là 460 USD/tấn, mức thấp nhất trong các nước dự thầu nhưng vẫn không trúng thầu do cao hơn mức giá trần Philippines đưa ra 456,6 USD/tấn.

Trao đổi với PV báo Đất Việt, PGS TS Nguyễn Văn Nam cho biết, đấu thầu cung cấp gạo cho Philippines từ trước đến nay Việt Nam luôn thắng thầu nhờ bỏ thầu mức giá thấp nhất. Các Tổng công ty Lương thực miền Bắc Vinafood 1 và Tổng công ty Lương thực miền Nam Vinafood 2 đặt thầu rồi sau đó đặt hàng các doanh nghiệp trong nước. Các Tổng công ty lương thực muốn có lãi sẽ ép giá các doanh nghiệp thu mua gạo từ nông dân, doanh nghiệp thu mua gạo nếu muốn có lãi lại tiếp tục ép giá người nông dân, thu mua giá thấp.

"Nếu đưa ra phép tính để đảm bảo lãi cho nông dân cũng chỉ là để bao biện, giải trình. Các Tổng công ty Lương thực không bao giờ làm không công, họ chỉ làm để ăn chênh lệch giữa mua vào bán ra nên không thể mua đắt bán rẻ. Cuối cùng đẩy gánh nặng vào người nông dân", PGS TS Nguyễn Văn Nam nói.

Các Tổng công ty lương thực muốn có lãi sẽ ép giá các doanh nghiệp thu mua gạo từ nông dân, doanh nghiệp thu mua lại tiếp tục ép giá người nông dân.
Các Tổng công ty lương thực muốn có lãi sẽ ép giá các doanh nghiệp thu mua gạo từ nông dân, doanh nghiệp thu mua lại tiếp tục ép giá người nông dân.

Theo tính toán, trong trường hợp nếu Việt Nam thắng được gói thầu trên với mức giá 460 USD/tấn, đồng nghĩa với việc mỗi kg gạo xuất khẩu chở đến kho của nước nhập khẩu chỉ có giá 9.756 đồng/kg, tương đương 4.880 đồng/kg lúa. Trong khi giá bán ra của người nông dân phải đạt ít nhất 5.000 đồng/kg lúa trở lên mới đảm bảo lãi 30%. Nhưng với trường hợp giật thầu giá rẻ, các Tổng công ty sẽ mua gạo giá rẻ từ doanh nghiệp, doanh nghiệp buộc phải mua giá rẻ từ nông dân, theo PGS TS Nguyễn Văn Nam, giá thu mua có thể chỉ giao động trong khoảng 4.000 đồng/kg, không đời nào mua 5.000 đồng/kg để bán 4.800 đồng/kg.

PGS TS Nguyễn Văn Nam cũng cho biết, thị trường lúa gạo Việt Nam bất ổn dù nhà nước trợ giá nhưng các doanh nghiệp vẫn có cách để mua của nông dân với mức giá thấp.

"Họ có nhiều "võ" để thực hiện việc thu lợi, thậm chí trong cả trường hợp đặt mức giá thấp trong các phiên đấu thầu. Họ sẽ ép giá nông dân mức giá thấp nhất, sẽ báo cáo nhà nước về thực trạng thua lỗ để xin nhà nước bù lỗ, giảm thuế", PGS TS Nguyễn Văn Nam nói.

Theo đó, PGS TS Nguyễn Văn Nam đề xuất, phải chuyển sang cơ chế thị trường thay vì hoạt động cơ thế xin cho, cửa quyền dẫn đến tình trạng không ăn của nông dân cũng sẽ ăn của nhà nước hoặc cùng lúc ăn của cả dân, cả nước.

Tư duy cạnh tranh giá rẻ lỗi thời

Từ thương vụ đấu thầu cung cấp 500.000 tấn gạo cho Philippines dù đưa ra mức giá thấp nhất nhưng Vinafood 2 vẫn thất bại do mức giá trần mà Philippines đưa ra còn thấp hơn, theo PGS TS Nguyễn Văn Nam, tư duy trúng thầu bằng việc cạnh tranh giá rẻ, hàng chất lượng thấp đã lỗi thời.

"Hiện không còn nước nào theo đuổi cung cách làm việc, sản xuất, kinh doanh chỉ nhằm vào số lượng, không quan tâm đến chất lượng như Việt Nam đáng lẽ phải cạnh tranh bằng hàng chất lượng cao, giá hợp lý như Thái Lan", PGS TS Nguyễn Văn Nam nói.

Gạo của Việt Nam sẽ gặp khó khi vẫn chạy theo số lượng thay vì chất lượng
Gạo của Việt Nam sẽ gặp khó khi vẫn chạy theo số lượng thay vì chất lượng

Nêu quan điểm về thực tế này, GS TS Bùi Chí Bửu - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kĩ thuật miền Nam lo lắng hơn đến triển vọng xuất khẩu gạo từ nay đến cuối năm của Việt Nam sẽ có nhiều khó khăn.

Theo đó, những khó khăn mà GS TS Bùi Chí Bửu đưa ra là những khó khăn từ nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới Thái Lan sẽ bung kho dự trực gạo bán gạo 25% cũng như gạo 5% tấm với giá rẻ. Cạnh tranh với Ấn Độ cũng trong tình trạng gay cấn tương tự, thậm chí với Campuchia cũng là mối lo lớn khi mới đây Campuchia bung mạnh . Cùng lúc gạo xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc hiện nay đang bị khống chế….

"Như vậy, gạo của Việt Nam trước những khó khăn chồng chất như vậy sẽ chịu không nổi nếu không đi vào sản xuất, xuất khẩu gạo chất lượng cao", GS TS Bùi Chí Bửu nhận xét.

Cũng theo GS TS Bùi Chí Bửu,Việt Nam phải làm gạo chế biến dưới nhiều dạng khác nhau như có thể chế biến dưới dạng sữa để xuất sang Hàn Quốc, Nhật Bản những chai sữa gạo ngon, thơm hoặc làm thức ăn cho người tiểu đường, người bị suy thận nặng với mức giá cao.

"Nếu không đi vào con đường này gạo Việt Nam sẽ chết", GS TS Bùi Chí Bửu nói.

Ngoài ra, GS TS Bùi Chí Bửu cũng chỉ ra thực tế, chất lượng gạo được bày bán trong các siêu thị chất lượng vẫn không đồng đều, một thị trường 90 triệu dân nhưng Việt Nam lâu nay chỉ lo xuất không làm trong thị trường dẫn đến việc người dân tại TP HCM ăn gạo Campuchia, Thái Lan mà không ăn gạo của Việt Nam.

"Vấn đề này đề cập nhiều nhưng không ai đầu tư, Chính phủ cũng chạy theo số lượng khi đặt ra các mục tiêu cho từng năm về xuất khẩu gạo. Vinafood lo xuất khẩu gạo từ hạt gạo, không lo xuất khẩu gạo từ lúa nên dù có góp ý nhiều về vấn đề nâng cao chất lượng, nâng cao giá bán vẫn chưa được làm tới ngọn", GS TS Bùi Chí Bửu nói.