Gạo "thua" vì chính sách

Trước năm 2011, các DN đều có quyền XK gạo. Nhưng sau đó, thì quyền XK gạo lại phụ thuộc vào một số đầu mối, do Nhà nước chỉ định.

Tuy nhiên, dù cho cơ chế quản lý thay đổi, thì sau hàng chục năm, gạo Việt Nam vẫn chưa thoát cảnh yếu thế trên thị trường gạo thế giới. Và ở trong nước, nông dân cũng chưa thể yên tâm với giá gạo.

Trước năm 2011, về cơ bản cơ chế điều hành XK gạo Việt Nam được thông qua 2 loại hợp đồng chính. Theo đó, với các hợp đồng XK gạo do Chính phủ ký - thường chiếm khoảng 50% tổng lượng gạo XK cả nước - thì Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, các địa phương có sản lượng gạo lớn, và Hiệp hội Lương thực Việt Nam cùng phối hợp phân chia sản lượng, giao cho các DN phù hợp, có năng lực để thực hiện.

Tại cơ chế, hay tại thị trường

Phần còn lại là lượng gạo XK qua hợp đồng thương mại do DN ký, các DN phải đăng ký với Hiệp hội Lương thực để được cấp phép XK, sau khi Hiệp hội đã phân chia sản lượng, cân đối với dự trữ trong nước. Thời điểm này, vai trò của Hiệp hội Lương thực Việt Nam là thay mặt Nhà nước kiểm soát các hợp đồng XK gạo qua hai tiêu chí, sản lượng và giá XK.

Tuy nhiên, mô hình quản lý XK gạo này bị đánh giá là thiếu hiệu quả, vì số lượng DN XK nhiều, dẫn tới phân tán về năng lực tạm trữ lúa gạo, tranh mua, tranh bán về thị trường, và làm cho chất lượng gạo XK không đồng đều, cả nhà nước và nông dân đều thua thiệt.

Do vậy, Nhà nước ban hành Nghị định số 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh XK gạo, có hiệu lực từ 1/1/2011. Theo đó, các điều kiện áp dụng để có quyền XK gạo đã khó khăn hơn rất nhiều. Các DN kinh doanh XK gạo vừa phải có kho chứa quy mô trên 5.000 tấn gạo, vừa phải có máy xay xát gạo công suất trên 10 tấn/h, đồng thời với đó là chịu một loạt quy định quản lý khác của Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, địa phương, và Hiệp hội Lương thực Việt Nam…

Trong 3 năm từ khi áp dụng Nghị định 109/2010, chỉ năm 2011 giá gạo XK của Việt Nam có tăng, lên mức bình quân 394 USD/tấn. Nhưng sau đó, giá gạo Việt Nam lại giảm mạnh.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, năm 2012 giá gạo XK đã giảm chỉ còn bình quân 446 USD/tấn, năm 2013 thậm chí chỉ còn 427 USD/tấn - dưới cả giá của năm 2010 (431 USD/tấn). Dự kiến, năm 2014, giá gạo XK của Việt Nam cũng chỉ ở mức 431 USD/tấn.

Về chi tiết, năm 2013, Việt Nam XK khoảng 6,7 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt 2,9 tỷ USD, giảm 13% về lượng và tới 18% về giá trị so với năm 2012. Nguyên nhân, như hiệp hội cho biết, là thiếu hợp đồng XK gạo tập trung (chính phủ ký) tại các thị trường Philippines, Malaysia, Singapore…

Như vậy, Nghị định 109/2010 làm thay đổi hạ tầng phục vụ XK gạo, nhưng không thay đổi về chất kết quả XK gạo của Việt Nam. Trong khi đó thì điều kiện kinh doanh XK gạo bị thắt chặt, giảm số đầu mối XK gạo, nhưng giá XK không tăng, nếu như không nói là giảm, nếu so với chi phí sản xuất ra lúa gạo… Kết quả áp dụng nghị định đã trở thành một bước lùi cho gạo Việt Nam.

Trung Quốc hiện là thị trường XK chính của gạo Việt Nam
nhưng cũng là thị trường rủi ro nhất


Về cơ bản, gạo là loại sản phẩm chịu điều chỉnh của cơ chế thị trường. Do vậy, mọi chính sách can thiệp vào thị trường gạo cần xây dựng để khuyến khích thị trường phát triển, chứ không phải là hạn chế, hay đảo lộn quy tắc vận hành của thị trường ấy.

Từ đây sẽ thấy, việc ban hành Nghị định 109/2010, đưa kinh doanh gạo XK vào diện ngành nghề kinh doanh có điều kiện là lựa chọn sai lầm của cơ quan quản lý. Vì trên thực tế, thu nhập của nông dân trồng lúa không tăng, do giá thu mua giảm vì giá XK giảm.

Hệ thống các đầu mối XK gạo do chính phủ chỉ định cũng không điều tiết được giá gạo Việt Nam trên thị trường thế giới. Thậm chí đẩy giá gạo Việt Nam xuống gần thấp nhất trong số những quốc gia XK gạo lớn của thế giới.

Bài học Thái Lan

Bài học khi can thiệp quá sâu vào thị trường gạo Việt Nam có thể tìm hiểu ngay tại Thái Lan. Từ 3 năm trước, chính phủ nước này thực hiện chương trình hỗ trợ cho nông dân bằng cách đẩy giá thu mua gạo lên mức rất cao, đồng thời với đó là hình thành hệ thống kho dự trữ hàng chục triệu tấn gạo.

Nguyên lý đơn giản được suy diễn là với lượng dự trữ hàng chục triệu tấn này, Thái Lan có thể nắm quyền quyết định, điều hành giá gạo thế giới ở mức cao, và từ đó bù đắp cho những thiệt hại khi hỗ trợ giá gạo mua của nông dân trong nước.

Sự đổ bể của chiến lược XK gạo này đã khiến Thái Lan thua lỗ hàng tỷ USD đồng thời làm thiệt hại cho chính gạo Việt Nam XK. Vì khi không thể nâng giá bán gạo lên cao, Thái Lan buộc phải bán lượng gạo cực lớn, lên tới hàng chục triệu tấn đã đầu cơ trong nước trước đó với giá rẻ, từ đó kéo giá gạo nói chung trên thị trường thế giới giảm mạnh. Gạo Việt Nam cũng buộc phải giảm giá theo trong tình thế ấy.

Nhìn từ đây sẽ thấy sự can thiệp quá đà của chính phủ vào thị trường gạo là tiềm ẩn nhiều rủi ro, hơn là có thể bình ổn được thị trường này. Trong khi đó, tại Việt Nam, mục tiêu can thiệp vào thị trường XK gạo của chính phủ lại là nhằm bảo đảm an ninh lương thực trong nước, sau đó là bảo vệ quyền lợi nông dân, cuối cùng mới là nâng cao vị thế của gạo Việt trên thị trường thế giới.

Trong ba mục tiêu này, mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đã đạt được mà không cần có chính sách cụ thể. Hai mục tiêu còn lại về bảo vệ quyền lợi cho nông dân và nâng giá gạo XK của Việt Nam, thực tế, không phụ thuộc nhiều vào nghị định về điều kiện XK gạo mà phụ thuộc vào chất lượng gạo Việt Nam và sự hình thành của liên minh các nhà XK gạo thế giới.

Trong cả hai hướng này, Việt Nam đều chưa chứng tỏ được hiệu quả nỗ lực thực hiện. Kết quả là thị trường gạo XK của Việt Nam lên giá, hay xuống giá là phụ thuộc vào giá cả của các nước khác. Chính sách quản lý XK gạo cứ thế tồn tại trong thế nửa vời, không ra hiệu quả, cũng không hẳn thành hậu quả.