FT: Iran và tham vọng 5 triệu thùng dầu/ngày

(NDH) Tờ Financial Times cho thấy toàn cảnh về khả năng tăng cung mạnh mẽ của Iran trên thị trường dầu mỏ, tạo áp lực khiến giá dầu đi xuống.

Theo tờ Financial Times, trước khi cuộc đàm phán hạt nhân Iran đi đến một thỏa thuận ngày 14/7, rất nhiều lãnh đạo của các tập đoàn năng lượng lớn đã lặng lẽ đến thủ đô Tehran.

Những cuộc viếng thăm này mang ý nghĩa nhiều hơn chỉ là xã giao thông thường. Rõ ràng, các nhà sản xuất dầu khí lớn đã sẵn sàng để tham gia thị trường hàng tỷ USD tại quốc gia này.

Iran đã bị cấm vận từ năm 2012 nhưng khi những lệnh trừng phạt này được dỡ bỏ, các cuộc đàm phán nhằm quay lại thị trường, đặc biệt là thị trường dầu mỏ, chắc chắn sẽ được nối lại.

Hàng loạt những công ty dầu khí lớn như Royal Dutch Shell và Eni của Italy, Total của Pháp đã cử nhân viên đến khảo sát thị trường và cơ hội tại Iran. Những công ty dầu khí của Mỹ chắc chắn cũng đã tham gia chuyến thăm này.

Ngành công nghiệp dầu khí của Iran đã bị “bỏ quên” trong nhiều năm, năng suất bị hạ thấp, quản lý yếu kém và có tình trạng tham nhũng. Hiện nay, lĩnh vực kinh tế này của Tehran lại đang trở thành cơ hội đầy tiềm năng cho các nhà đầu tư nước ngoài với rất nhiều dự án .

Theo ước tính của phía Mỹ, chính quyền Tehran đã mất 160 tỷ USD doanh thu từ dầu mỏ trong 3 năm qua do bị cấm vận với thị trường Châu Âu, còn các khách hàng Châu Á lại đi tìm nhà cung cấp thay thế.

Rõ ràng là nhà sản xuất dầu mỏ đứng thứ 2 trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cần lượng vốn khổng lồ đầu tư và công nghệ mới để có thể quay lại thời kỳ đỉnh cao trước đây. Tuy nhiên, nói thì dễ hơn thực hiện rất nhiều, đặc biệt là khi giá dầu đang ở mức thấp như hiện nay.

(Click ảnh để phóng to)

Trước đây, khi giá dầu thô ở mức trên 100 USD/thùng, điều mà các công ty khai thác quan tâm là sản xuất càng nhiều dầu thô càng tốt. Nhưng với mức giá trong khoảng 50-60 USD/thùng, các tập đoàn khai thác sẽ phải xem xét nhiều yếu tố trước khi quyết định đầu tư một dự án dầu khí mới.

Quyền chủ động trên thị trường hiện nay không còn thuộc về nhà sản xuất mà là của khách hàng, họ mới là người quyết định liệu một dự án dầu mỏ có thể thực hiện hay không.

Theo Financial Times, chính quyền Tehran sẽ cần nhiều thời gian để thu hút các công ty dầu khí đầu tư vào các dự án dầu mỏ, tập trung tăng sản lượng và cạnh tranh giành lại thị phần, đặc biệt là khi nhiều tập đoàn dầu mỏ đang phải vật lộn giữa chi phí và lợi nhuận.

Tìm kiếm đầu tư

Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh cho biết nếu Iran được dỡ bỏ các lệnh cấm vận vào đầu năm 2016 thì nước này có thể năng sản lượng khai thác và xuất khẩu dầu thêm cao nhất là 1 triệu thùng/ngày. Ngoài ra, khoảng 40 triệu thùng dầu sự trữ của Iran cũng có thể được bán ra thị trường, làm gia tăng nguồn cung và tác động vào giá dầu.

Đây vẫn chỉ là mục tiêu trước mắt, ông Zanganeh muốn các công ty khai thác Phương Tây làm “sống” lại các mỏ dầu đã già hóa, cải thiện cơ sở hạ tầng sản xuất đã cũ kỹ, và khôi phục vị thế nhà sản xuất lớn thứ 2 sau Ả Rập Xê Út trong OPEC.

Mục tiêu trung hạn của Iran là tăng sản lượng thêm 50% trong vòng 5 năm lên 5 triệu thùng/ngày.

Mặc dù chi tiết của cuộc đàm phán hạt nhân Iran vẫn đang được thảo luận nhưng công việc khôi phục vị thế dầu mỏ đã được chính quyền Tehran tiến hành. Cố vấn của Bộ Dầu mỏ Iran Mehdi Hosseini cho biết nước này đang hoàn tất một kiểu hợp đồng mới và dự đoán sẽ dẫn đến những khoản giao dịch lên đến 100 tỷ USD với các nhà đầu tư nước ngoài.

Hiện Iran đang có khoảng 50 dự án thăm dò, phát triển, khai thác, cung cấp công nghệ với các mỏ dầu trên đất liền và ngoài khơi. Trong đó bao gồm những dự án tại vùng mỏ khí đốt phía Nam và Bắc của khu Pars, có trữ lượng gần 350 nghìn tỷ Ft3 (1Ft3=0,028m3) và chưa được khai thác.

Bên cạnh đó là các mỏ dầu lớn như Ahvaz, Gachsaran, Marun và Aghajari ước tính có trữ lượng khoảng 200 tỷ thùng dầu. Ngoài ra là các dự án hợp tác về hóa dầu, khí hóa lỏng…

Cố vấn Housseini nói rằng Quatar, một nước vốn có sản lượng thấp hơn Iran, lại đang vượt qua nước này trên thị trường dầu khí và điều này làm “tổn thương” các nhà lãnh đạo ở Tehran.

Hãng tư vấn Wood Mackenzie nhận định sức hấp dẫn của Iran với các nhà đầu tư nước ngoài là cực kỳ rõ ràng. Quốc gia này xếp thứ 3 thế giới về trữ lượng dầu khí, với khoảng 250 tỷ thùng dầu chưa được khai thác.

Khác với nguồn dầu khí tại Bắc Cực chưa được thăm dò hết, tài nguyên năng lượng của Iran đã được lập kế hoạch chi tiết với chi phí sản xuất thấp. Tình hình chính trị tại Iran cũng khá ổn định, khác với Iraq đang xung đột quân sự với IS cũng như các nhóm vũ trang Hồi giáo.

Theo Wood Mackenzie, trong tình hình các công ty đang gặp khó khăn để tìm ra những mỏ dầu lớn, cơ hội mà Iran đem lại là không thể từ chối đối với các tập đoàn dầu khí.

Hợp đồng mới mà Iran xây dựng cho phép các công ty nước ngoài thành lập liên doanh với công ty dầu khí quốc gia Iran. Dự kiến liên doanh này sẽ có thời hạn trong khoảng 20-30 năm. Lợi nhuận sẽ được chia một cách linh hoạt dựa trên giá dầu và nhiều yếu tố khác.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn rất thận trọng khi chi tiết của thỏa thuận hạt nhân Iran vẫn chưa được hoàn tất. Hơn nữa, nếu Iran không thực hiện được như đã cam kết, các lệnh trừng phạt có thể được áp đặt lại với chính quyền Tehran.

Một vấn đề khó khăn nữa đối với Iran là công nghệ khai thác. Ngành dầu khí của nước này đã bị thiếu đầu tư trong một thời gian dài, các mỏ khai thác đã quá lạc hậu. Sản lượng khai thác dầu mỏ của Iran đã giảm từ 3,6 triệu thùng/ngày năm 2011 xuống 2,8 triệu thùng/ngày năm 2014.

Rất nhiều mỏ khai thác dầu đã bị đóng cửa, trong đó có nhiều mỏ hư hỏng đến mức không thể khai thác lại nếu không thay mới hoàn toàn. Hiện có nhiều mỏ khai thác của Iran hoạt động với năng suất rất thấp, hoặc có mức chi đầu tư cao hơn doanh thu.

Ngay cả khi các dự án đầu tư dầu mỏ được thông qua tại Iran, việc thực hiện sẽ mất rất nhiều tiền bạc cũng như thời gian. Nhiều chuyên gia phân tích dự kiến các khoản đầu tư vào ngành dầu khí Iran có thể đội lên đến 200 tỷ USD.

Hãng Wood Mackenzie, cũng dự đoán rằng sản lượng dầu mỏ của Iran sẽ chỉ đạt 3,4 triệu thùng/ngày vào năm 2020, thấp hơn so với dự báo của Tehran. Tuy nhiên, hãng này cho biết Iran có thể đạt 4,4 triệu thùng/ngày vào năm 2025 nếu được đầu tư đầy đủ, đặc biệt là ngành khí đốt của nước này có tiềm năng phát triển vô cùng lớn.

Financial Times nhận định các hợp đồng dầu tư dầu khí sẽ được ký kết tại Iran, vấn đề còn lại là bao giờ nước này có thể khôi phục lại được mức sản lượng lớn như mong muốn.

Thị trường dầu mỏ trước nguy cơ thừa cung

Sự trở lại thị trường dầu mỏ của Iran làm tăng thừa cung và tạo ra những áp lực giảm giá cho dầu thô, vốn đã giảm 50% trong 1 năm qua.

Các chuyên gia phân tích ước tính Iran có thể xuất khẩu thêm 250.000 - 700.000 thùng/ngày trong năm tới, thậm chí nhiều hơn.

Trước khi Iran đạt thỏa thuận hạt nhân ngày 14/7, OPEC đã dự đoán thế giới đang dư thừa 1 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, sản lượng xuất khẩu dầu thô của Iran trước khi bị cấm vận là 2,5 triệu thùng/ngày, cao gấp đôi so với sản lượng hiện nay.

Ả Rập Xê Út và các nước sản xuất dầu mỏ lớn trong khu vực cho thấy họ sẽ không dễ dàng nhường thị phần cho Iran. Dòng Hồi giáo Sunni chiếm đa số tại Ả Rập Xê Út đối lập với dòng hồi giáo Shia tại Iran, do đó sẽ không có ưu đãi nào với chính quyền Tehran trên “chiến trường” dầu mỏ.

Nhà sản xuất Ả Rập Xê Út đã đẩy sản lượng lên mức kỷ lục 10,6 triệu thùng/ngày, tăng khoảng 1 triệu thùng/ngày kể từ cuối năm ngoái. Kuwait và Iraq cũng đã tăng sản lượng khai thác dầu bất chấp giá dầu thô thế giới giảm.

Goldman Sachs dự đoán việc Iran quay lại thị trường có thể gây ảnh hưởng giảm đến mức giá dự báo 62 USD/thùng của hãng này trước đó. Giá dầu Brent thế giới được giao dịch quanh mốc 57 USD/thùng phiên 15/7.