FAO: Giá lương thực toàn cầu xuống thấp nhất kể từ năm 2010

FAO: Giá lương thực toàn cầu xuống thấp nhất kể từ năm 2010

(NDH) Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) cho biết giá lương thực toàn cầu tiếp tục giảm mạnh trong tháng 8, ghi nhận tháng giảm thứ 15 liên tiếp.

Theo báo cáo ‘Tình hình Lương thực Thế giới’ công bố tuần trước của FAO, Chỉ số Giá Lương thực toàn cầu đứng ở mức bình quân 196,6 điểm trong tháng 8/2014, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2010. Chỉ số này đã giảm 3,6% so với tháng 7 và giảm 3,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trừ mặt hàng thịt, tất cả các mặt hàng khác thuộc chỉ số này đều giảm trong tháng 8, dẫn đầu là mức giảm của giá sản phẩm sữa, tiếp đến là dầu thực vật và đường.

Chỉ số giá ngũ cốc của FAO trong tháng 8 giảm 1,5% so với tháng trước đó xuống 182,5 điểm, kéo dài đà giảm từ tháng 5, chủ yếu do triển vọng nguồn cung lúa mì và các loại ngũ cốc khác dồi dào. Sản lượng kỷ lục trong năm nay đang khiến giá lúa mì giảm xuống mức tháp nhất kể từ tháng 7/2010, trong khi giá ngô cũng rơi xuống đáy của 4 năm do điều kiện gieo trồng lý tưởng. Tuy nhiên, giá gạo vẫn tăng do một số nước nhập khẩu truyền thống trở lại thị trường.

Chỉ số giá dầu thực vật của FAO giảm 8% xuống 166,6 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2009. Đây là tháng giảm thứ năm liên tiếp của chỉ số này, chủ yếu do giá dầu cọ giảm khi triển vọng sản lượng của Đông Nam Á cải thiện và khi nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ thấp hơn dự kiến. Giá các loại dầu khác cũng giảm do triển vọng nguồn cung tăng trong niên vụ 2014/15.

Chỉ số giá sản phẩm sữa của FAO giảm tới 11,2% xuống 200,8 điểm. Giá tất cả các sản phẩm sữa thuộc chỉ số này đều giảm do nhu cầu xuất khẩu tăng trong khi nhu cầu nhập khẩu giảm.

Chỉ số giá thịt của FAO lại tăng, nhưng với mức khiêm tốn là 1,2%, lên 207,3 điểm. Mức tăng trên phản ánh giá thịt bò tăng tại Australia do nguồn cung cho xuất khẩu giảm, và do nhu cầu nhập khẩu tại Châu Á tiếp tục tăng, đặc biệt tại Trung Quốc.

Chỉ số giá đường của FAO cũng giảm 5,7% xuống 244,3 điểm trong tháng 8 do triển vọng sản lượng tại nước sản xuất lớn thứ hai thế giới là Ấn Độ tăng. Ngoài ra, nhu cầu nhập khẩu thấp hơn dự kiến của Trung Quốc cũng khiến giá đường chịu áp lực.