* Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giữ nguyên đề xuất tăng giá bán điện ngay sau Tết Ất Mùi lên mức 1.652,19 đồng/kWh, tăng 9,5% so với giá bán điện bình quân hiện hành là 1.508,85 đồng/kWh. Ông nói gì về đề nghị tăng giá điện lần này ?
- Hiện EVN gặp một số khó khăn. Đó là tỷ suất lợi nhuận còn thấp, đặc biệt là lợi nhuận hằng năm có năm lỗ có năm lãi nhưng bình quân mức lãi còn ít, lỗ lũy kế đến năm 2014 còn 16.800 tỷ đồng đến nay chưa giải quyết được. Hiện nay, EVN không đủ vốn đối ứng để vay một lượng vốn hàng trăm ngàn tỷ đồng thực hiện các dự án đầu tư nguồn và lưới điện. Điều đó có nghĩa là việc tăng giá điện của EVN là hết sức cần thiết.
* Theo báo cáo của EVN, năm 2014, EVN vẫn tăng trưởng cao. Có mâu thuẫn không khi tăng trưởng cao lại muốn tăng giá bán điện?
- Tôi cho rằng không có mâu thuẫn. Kinh tế những năm gần đây tăng trưởng chậm lại nhưng mức độ tăng trưởng ngành điện vẫn cao, khoảng trên 10%. Sản lượng điện của EVN đạt gần 140 tỷ kWh điện năm 2014, đạt được lợi nhuận trên 4 ngàn tỷ đồng, nhưng vốn đầu tư nguồn và lưới điện lên tới trên 127 ngàn tỷ đồng.
|
Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam |
- Theo tổng sơ đồ phát triển điện giai đoạn 7, đến năm 2020, ngành điện phải xây dựng đạt công suất toàn hệ thống trên 70.000MW, với sản lượng điện phát ra hàng năm đạt trên 200 tỷ kWh.
Để đảm bảo tốc độ tăng trưởng và mục tiêu đề ra, ngành điện cần một lượng vốn trên dưới 150 ngàn tỷ đồng/năm để phát triển nguồn, lưới điện. Như vậy chỉ có một con đường là Chính phủ phải cho tăng giá điện lên mức lợi nhuận ngành điện hằng năm đạt được là trên dưới 20 ngàn tỷ đồng/năm, EVN mới đáp ứng được yêu cầu trên.
* Đề xuất tăng 9,5% giá bán điện so với giá bình quân hiện hành, ông nhận định thế nào về mức tăng này?
- Mức tăng này là thấp, Chính phủ, Bộ Công Thương có thể chấp nhận được. Tăng 9,5% là một tỷ lệ không quá cao, EVN mới lãi 3.000 - 4.000 tỷ đồng, không đủ cho đầu tư xây dựng một dự án công suất 1.200 MW có vốn đầu tư 2 tỷ USD. Mặt khác, để vay được 2 tỷ USD từ ngân hàng, EVN phải có 30% vốn đối ứng.
* Ông nói EVN tăng giá điện để có tiền đầu tư nguồn, lưới điện nhưng bản thân tập đoàn này dường như thiếu nỗ lực bảo toàn nguồn vốn, giảm chi phí sản xuất?
- Một trong những điểm yếu của EVN là năng suất lao động thấp, biên chế cồng kềnh khiến chi phí tăng cao. Hiện tại, năng suất lao động của EVN thấp hơn nhiều so với ngành điện các nước trong khu vực và trên thế giới.
Nếu lấy giá trị sản lượng 120 tỷ kWh điện phát ra hằng năm trên tổng số lao động 110.000 người, thì một người trong một năm chưa đạt được 1.000kWh điện. Tới đây, để đưa năng suất lao động lên cao, EVN phải tối ưu hóa chi phí, giảm giá thành, nâng cao hiệu quả quản lý lao động.
Một điểm nữa, giai đoạn 2012 - 2015, EVN phải thoái vốn tại 6 công ty cổ phần có hoạt động không liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính của Tập đoàn.
Năm 2014, EVN đã thoái vốn đầu tư ngoài ngành với tổng số tiền 691 tỷ đồng, đạt 40,8% tổng số vốn cần thoái. Hiện EVN còn khá nhiều đơn vị có đủ điều kiện để cổ phần hóa, nhưng chưa triển khai được, chẳng hạn như các DN ở 3 genco (3 tổng công ty phát điện). Nếu trong năm 2015 EVN hoàn tất cổ phần hóa, chắc chắn thu về được một lượng vốn đáng kể để đầu tư trở lại nguồn và lưới điện.
* Cảm ơn ông!