Theo lãnh đạo EVN, ngành điện đang chịu lỗ nặng vì các chi phí đầu vào tăng |
Áp lực đầu vào
Đầu tháng 10, tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với Bộ Công thương, Tổng Giám đốc EVN Phạm Lê Thanh cho biết, năm 2014, giá than và khí dùng cho sản xuất điện đã được điều chỉnh theo giá thị trường, khiến chi phí đầu vào của EVN tăng hơn 7 nghìn tỷ đồng, cộng với lỗ lũy kế đến năm 2013 là 8 nghìn tỷ đồng.
Cụ thể, từ đầu năm đến nay, giá khí đầu vào cho sản xuất điện tăng ba lần, lần một tăng thêm 0,55 USD/triệu BTU từ ngày 1/4; tới ngày 1/7, tăng thêm 0,82 USD/triệu BTU và tới ngày 1/10, tăng thêm 0,82 USD/triệu BTU. Giá than bán cho sản xuất điện đã tăng hai lần vào ngày 1/1 (tăng 1,2-14,7% tùy loại) và ngày 21/7 (tăng từ 4-7,4%).
"Để dư luận khỏi băn khoăn về sự minh bạch giá điện, có thể mời kiểm toán kiểm định lại các yếu tố chi phí đầu vào tác động như thế nào đến giá thành điện". Ông Nguyễn Tiến Thỏa Chủ tịch HộiThẩm định giá Việt Nam |
Ước tính, năm 2014, chi phí mua khí của EVN tăng thêm 3.200 tỷ đồng, chi phí mua than cho sản xuất điện năm nay tăng thêm khoảng 2.430 tỷ đồng.
Ngoài ra, sản xuất điện còn chịu áp lực của thuế tài nguyên nước được điều chỉnh tăng từ 2% lên 4% kể từ ngày 1/2, khiến chi phí sản xuất của các nhà máy thủy điện thuộc EVN ước tính tăng thêm khoảng 1.509 tỷ đồng trong năm nay.
Từ cơ sở đó, ông Phạm Lê Thanh đề xuất: "Cần có giải pháp đồng bộ về giá của các mặt hàng than, khí, điện".
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc EVN từ chối nói về đề xuất tăng giá điện, nhưng thừa nhận: "EVN đang chịu sức ép lớn khi chi phí đầu vào tăng vọt".
Còn ông Đinh Thế Phúc, Cục phó Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) không xác nhận, nhưng cũng không phủ nhận về thông tin EVN đề xuất tăng giá điện. Trong khi trước đó, tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 10 của Bộ Tài chính, Phó cục trưởng Cục Quản lý giá Nguyễn Văn Truyền khẳng định, giá than, khí bán cho điện đã theo thị trường tác động nhiều tới việc tăng giá điện.
Cần thẩm tra kỹ
Việc EVN than lỗ nặng được nhiều chuyên gia kinh tế nhìn nhận là "tín hiệu dọn đường" cho một đề xuất tăng giá điện sắp được đưa ra. Nói như chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, khi chi phí đầu vào sản xuất tăng thì giá bán đương nhiên phải tăng theo.
Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, giá điện tăng ở mức nào, con số EVN đưa ra là lỗ hơn 7 nghìn tỷ từ đầu năm đến nay đã chính xác chưa, thì còn cần xem xét, tính toán lại. "Hiện Bộ Công thương và Bộ Tài chính hoàn toàn có thể kiểm soát được mức chi phí đầu vào tăng của EVN, dựa trên mức giá than, khí đã đăng ký với các cơ quan này và các cơ cấu khác như: Thủy điện, nhiệt điện, điện gió... để từ đó có quyết định chính xác về mức tăng giá bán điện", ông Thỏa đề xuất.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng nhấn mạnh, cần thẩm tra xem giá đầu vào thực tế của ngành Điện tăng lên bao nhiêu, lỗ bao nhiêu, đừng để EVN đưa cả chi phí xây dựng bể bơi, sân tennis… vào chi phí giá điện như kết luận Thanh tra Chính phủ năm 2013 đã từng chỉ ra, bởi như vậy là sự bất công với người tiêu dùng.
Theo Quyết định 2165/QĐ-TTg về khung giá mức bán lẻ điện bình quân các năm 2013 - 2015, EVN được tăng giá bán lẻ điện tối đa là 1.835 đồng/kWh (giá điện hiện hành là 1.508,85 đồng/kWh), nên ông Thỏa cũng dự báo, đây sẽ là thời điểm thích hợp để EVN xin tăng giá bán điện trước cao điểm mua sắm cuối năm để tránh tạo áp lực lên mặt bằng giá cả.