Được mùa sắn, vỡ quy hoạch

Hai năm trở lại đây, giá sắn tương đối cao, nông dân trồng sắn lãi đậm. Tuy nhiên, cũng vì đầu ra ổn định, người dân đua nhau mở rộng diện tích trồng sắn khiến quy hoạch cây trồng ở nhiều nơi bị phá vỡ.

Cây sắn luôn được nông dân các tỉnh Tây Nguyên, nhất là Đắk Lắk và Đắk Nông ưa chuộng. Thời tiết thuận lợi, giá sắn ổn định, niên vụ 2014-2015, loại cây này tiếp tục cho lãi cao, nông dân phấn khởi vì được mùa.

Chị H’A Buôn Yă (buôn Niêng xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk) cho biết: Nhà có 2 ha đất rẫy nhưng đất xấu, trồng sắn nhiều năm rồi. Mỗi héc ta thu được 9-10 tấn mì khô. Nếu bán với giá như hiện nay, trừ tiền công cày, phân giống, chị dư được 10 - 12 triệu đồng/héc ta.

 Được mùa sắn, vỡ quy hoạch - 1

Ảnh minh họa: baoquangngai

Khí hậu khắc nghiệt, hạn hán kéo dài khiến nông dân huyện Ea Súp nhiều lần thất bại với việc chọn cây trồng. Cây sắn mở ra hướng đi ổn định hơn cho nông dân vùng biên. Năm 2013, gia đình anh Nông Văn Tường, thôn 4 xã Ea Rvê trồng 2 ha thu lãi gần 30 triệu đồng. Năm nay anh khai hoang thêm gần 3 ha đất trồng tiếp.

Thấy trồng sắn dễ, cho thu nhập ổn định, dân trong vùng thì mua đất, phá rừng, dân ngoại tỉnh đến thuê đất trồng khiến diện tích sắn tăng vượt dự kiến.

Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Krông Bông, năm ngoái, toàn huyện trồng gần 5.900 ha sắn, vượt 1.000 ha so với kế hoạch, đưa Krông Bông dẫn đầu các huyện trong tỉnh Đắk Lắk về diện tích trồng.

Lối canh tác truyền thống, người dân chỉ biết trồng rồi bỏ mặc cho nó tự sinh tự dưỡng, làm cho đất cằn cỗi bạc màu, năng suất suy giảm. “Vài ba năm đầu, 1 ha thu hoạch từ 30-40 tấn củ tươi. Càng về sau đất xấu, năng suất giảm, dân phải bỏ đất, tìm chỗ khác trồng”, anh Tường cho biết thêm.

Ông Nguyễn Viết Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Rvê (Ea Súp) cho biết: Năm 2014 toàn xã trồng 1.830ha sắn, tăng 30 ha so với năm trước. Dân chỉ chú trọng tăng diện tích, ít quan tâm đầu tư cải tạo đất, năng suất giảm. Giá cả lên xuống thất thường, chúng tôi khuyên người dân tập trung thâm canh tăng sản lượng và chất lượng, tránh rủi ro.

Ông Trịnh Tiến Bộ, Trưởng phòng Trồng trọt thuộc Sở NN&PTNT thôn tỉnh Đắk Lắk khẳng định: Chủ trương của Sở là không tăng diện tích, nhưng năm nào các huyện cũng vượt kế hoạch đăng ký. Người dân “đổ lỗi” do trồng sắn làm đất xấu là không có cơ sở. Cây sắn hút đi bao nhiêu chất dinh dưỡng từ đất thì người trồng phải bổ sung bấy nhiêu, như vậy mới cân bằng được.

Nếu người dân trồng không theo quy hoạch cung vượt cầu, giá rớt thê thảm như những năm 2011, 2012 thì lỗ nặng, đất lại kiệt màu.

Năm 2014 toàn tỉnh Đắk Lắk có 32 nghìn hécta sắn, sản lượng hơn 617 nghìn tấn, năng suất chỉ 19,2 tấn, trong khi sắn trồng đúng kỹ thuật ở Tây Ninh năng suất gấp từ 2-4 lần.