Đức cân nhắc ngưng sử dụng than

Chính phủ Đức đang cân nhắc việc ngưng sử dụng than, nguồn cung cấp năng lượng lớn nhất, đồng thời là nguyên nhân gây ô nhiễm hàng đầu ở nước này, AFP đưa tin ngày 23.11.

Lò phản ứng hạt nhân Neurath dùng năng lượng than ở Rommerskirchen, phía tây nước Đức. - Ảnh: AFP
Lò phản ứng hạt nhân Neurath dùng năng lượng than ở Rommerskirchen, phía tây
nước Đức. - Ảnh: AFP



Sau quyết định dừng khai thác năng lượng hạt nhân, Đức đang cân nhắc việc ngưng sử dụng than, nguồn cung cấp năng lượng lớn nhất cho nước này hiện nay. Trước đó, sau sự cố hạt nhân ở Fukushima (Nhật Bản) năm 2011, Đức đã quyết định tạm đóng cửa các lò phản ứng hạt nhân đến năm 2022.

Chính phủ của bà Angela Merkel hiện đang tranh luận gay gắt về vấn đề này, khi quyết định trên được cho là sẽ gây nhiều ảnh hưởng "không chỉ đến các "đại gia" năng lượng, và nhiều vùng chuyên khai thác than với sản lượng khổng lồ ở Đức".

Cụ thể, AFP dẫn lời Bộ trưởng môi trường Barbara Hendricks cho rằng, nếu nền kinh tế lớn nhất châu Âu không cắt giảm lượng tiêu thụ than, thì Đức "không thể đạt mục tiêu đến năm 2020 sẽ cắt giảm 40% lượng khí nhà kính, được đề ra từ 3 thập niên trước".

Trong khi đó, Phó thủ tướng Sigmar Gabriel, phụ trách các vấn đề kinh tế và năng lượng, nhận định, ngưng sử dụng than sẽ ảnh hưởng đến an ninh năng lượng, đồng thời làm hàng triệu người lao động mất việc.

Hiện nay, than đóng vai trò quan trọng, chiếm 46% cơ cấu sản xuất điện của Đức.Tuy nhiên, nước này phấn đấu đến giữa thế kỷ 21, 80% năng lượng sử dụng sẽ đến từ các nguồn sạch như gió, khí gas sinh học, năng lượng mặt trời… hiện chỉ đáp ứng được khoảng ¼ nhu cầu.

Nội các của bà Merkel sẽ xem xét kế hoạch hành động vì môi trường mới trong thời gian tới, dự kiến vào ngày 3.12.

Hữu Đạt