Kinh doanh, tiêu thụ bia - Hai mặt lợi, hại
Hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm rượu, bia đã góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng vạn lao động; đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, theo Bộ Công thương, nếu không được quản lý tốt thì sẽ gây ra nhiều hệ lụy không tốt cho con người và xã hội.
Cụ thể, nếu sản xuất bia không theo Quy hoạch sẽ gây khó khăn cho các nhà đầu tư: tiêu thụ khó khăn và hiệu quả kinh doanh thấp, gây thiệt hại cho xã hội cũng như các nhà đầu tư (khủng hoảng thừa); sản phẩm sản xuất không đúng tiêu chuẩn, sản phẩm giả sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng, sản phẩm nhập lậu gây thất thu cho ngân sách.
Thêm vào đó, trong quá trình sử dụng nếu người uống lạm dụng (uống quá mức, uống không đúng chỗ), các sản phẩm đồ uống có cồn sẽ gây ra những tác hại như: ảnh hưởng đến sức khỏe của người uống, là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực gia đình, gây mất trật tự an ninh xã hội. .
Dự thảo mới sẽ siết chặt quản lý kinh doanh bia
Bộ Công Thương đã dự thảo Nghị định về quản lý sản xuất, kinh doanh bia gồm 5 chương, 25 điều. Đáng chủ ý, theo dự thảo này, doanh nghiệp kinh doanh bia sẽ cần in nhãn cảnh báo tác hại của việc lạm dụng bia và việc kinh doanh bia sẽ bị cấm đối với các khách hàng dưới 18 tuổi.
Nhãn in cảnh báo về tác hại của lạm dụng bia
Theo dự thảo, sản phẩm bia chỉ được tiêu thụ tại Việt Nam khi có nhãn hàng hoá đáp ứng các quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa và phải được in cảnh báo về tác hại của lạm dụng bia.
Bia sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu để tiêu thụ tại thị trường Việt Nam phải dán tem trên bao bì sản phẩm. Theo dự thảo, Bộ Tài chính quy định việc in, ban hành và quản lý sử dụng tem đối với bia sản xuất trong nước và bia nhập khẩu để tiêu thụ tại thị trường Việt Nam. Bia sản xuất để xuất khẩu thực hiện việc dán tem theo quy định của nước nhập khẩu.
Không được bán bia cho người dưới 18 tuổi
Theo dự thảo, doanh nghiệp kinh doanh bia phải thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm và các quy định của pháp luật có liên quan; có trách nhiệm đảm bảo nguồn gốc, thời hạn sử dụng sản phẩm bia theo công bố của cơ sở sản xuất; chỉ mua, bán sản phẩm bia của cơ sở sản xuất đã được cấp Giấy phép sản xuất bia. Các doanh nghiệp này không được bán bia cho người dưới 18 tuổi, đồng thời cũng không được bán bia qua hình thức máy bán hàng tự động hoặc qua phương tiện điện tử.
Báo cáo công bố trước đó của Bộ Công Thương cho thấy, Việt Nam nằm trong danh sách 25 nước uống bia nhiều nhất thế giới, đứng thứ 3 châu Á và dẫn đầu khu vực Đông Nam Á.
Năm 2013, Việt Nam tiêu thụ 3 tỷ lít bia, tương đương khoảng 3 tỷ USD. Trung bình, mỗi người Việt tiêu thụ khoảng 32 lít bia/năm. Sản lượng bia tiêu thụ trong nước tăng đều hằng năm, từ 1,29 tỷ lít năm 2003 tăng lên 2,8 tỉ lít năm 2012 và 3 tỷ lít năm 2013. Dự báo, khả năng sản lượng bia Việt Nam có thể đạt 4,2-4,5 tỷ lít vào năm 2015.
Hiện cả nước có hơn 400 nhà máy bia. Ngoài ra, các thương hiệu bia quốc tế đã hiện diện tạithị trường bia Việt Nam.