Đây là thông tin trong buổi hội thảo "Thị trường EU, cơ hội và thách thức mới, nhu cầu từ một số thị trường tiêu biểu" diễn ra ngày 24-9 tại Hà Nội.
Nhiều tiềm năng ở thị trường nhỏ
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Dũng, thuộc Cục Chế biến nông lâm thuỷ sản và Nghề muối, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), cho hay cơ hội để xuất khẩu sản phẩm nông sản sang EU rất lớn do hiện nay châu Âu có đông người Việt sinh sống, đặc biệt là ở những nước nhỏ, và nhu cầu tiêu thụ nông sản thực phẩm Việt ở châu Âu đang ngày càng lớn.
Vì vậy sau khi ký FTA, nông sản Việt Nam mà đặc biệt những nông sản có thế mạnh như lúa gạo, rau quả tươi, mật ong đều có cơ hội lớn xuất khẩu sang EU.
Trong những năm qua, các thị trường nhỏ ở châu Âu như Slovakia, Bồ Đào Nha, Hungary, Lavia, Slovenhia… lại là nơi có mức nhập khẩu hàng nông sản Việt Nam tăng mạnh nhất, với mức tăng hàng năm từ 57 đến 200%.
Nhiều rào cản cần vượt qua
Theo ông Dũng, ngay cả khi FTA chưa được ký kết thì nông sản của Việt Nam sang EU vẫn có lợi thế hơn các mặt hàng cùng loại của Trung Quốc và các quốc gia ASEAN, do Việt Nam vẫn nằm trong danh sách các quốc gia hưởng Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GPS) của EU, trong khi hầu hết các quốc gia ASEAN khác đã bị loại bỏ. Trung Quốc cũng có lợi thế về hàng nông sản nhưng hàng hoá nước này bị hạn chế về khối lượng nhập khẩu.
Dù vậy, nông sản Việt Nam vẫn còn gặp rất nhiều trở ngại và những trở ngại này vẫn còn nguyên cả sau khi Việt Nam và EU ký FTA.. Theo ông Dũng, EU yêu cầu rất khắt khe về chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, hình ảnh, uy tín của doanh nghiệp, cách thức mà doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm.
Xuất khẩu sang EU khó đến nỗi một doanh nghiệp tại hội thảo đã phải thốt lên rằng, đến đóng gói sản phẩm để xuất khẩu cũng rất phức tạp khiến nhiều doanh nghiệp nản lòng. Hơn nữa, nếu đáp ứng tất cả các tiêu chí của EU đưa ra thì chi phí sản xuất sẽ rất cao và kém tính cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại từ các thị trường khác, đặc biệt là Trung Quốc.
Ngoài ra, theo ông Dũng, trong quá trình sản xuất chuỗi nông sản từ cánh đồng đến bàn ăn thì phần tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất nằm ở khâu chế biến sản phẩm, chiếm khoảng 50-80% giá trị gia tăng toàn chuỗi, và nước nào cũng có chính sách giữ lại phần giá trị gia tăng này ở nước mình để tạo ra nguồn lợi cho người dân và khu vực.
Do đó, trong quá trình đàm phán FTA, EU chỉ muốn nhập sản phẩm thô để tiếp tục chế biến tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn. Trong khi đó, Việt Nam cũng muốn phát triển sâu, chế biến nông sản, tạo ra giá trị gia tăng cho mình.
"Đây là mâu thuẫn lớn trong thương mại mà khó lòng hài hoà giữa hai bên" - ông Dũng nói.
Vì vậy, Bộ NNPTNT đang xây dựng đề án khuyến khích đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực chế biến nông sản để thông qua việc chế biến tại Việt Nam, doanh nghiệp có thể xuất khẩu sang châu Âu.
Theo bà Maylis Labayle, Trưởng phòng Vận động chính sách, Phòng thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), nếu FTA Việt Nam - Eu được ký kết thì nó sẽ làm tăng GDP của Việt Nam lên 15%; xuất khẩu Việt Nam sang EU tăng 30% đến 40% và nhập khẩu từ EU tăng 25% đến 35%.
Đặc biệt, những mặt hàng được hưởng lợi nhiều từ FTA lớn nhất là dệt may, da giày, gạo, cà phê, thuỷ sản; những mặt hàng mà Việt Nam sẽ tăng nhập khẩu từ EU là sản phẩm công nghệ cao, thuốc, ô tô…