Dự án thép 4,5 tỷ USD nếu cứ trì hoãn là không chấp nhận

'Không phải cứ trình xin hoãn là được, vì dự án đã lùi nhiều quá. Ta cũng có thể thông cảm cho nhà đầu tư vì khó khăn kinh tế, nhưng nếu cứ trì hoãn tới năm 2015 rồi 2016 là không chấp nhận được'.

Đó là ý kiến của ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế Bộ KH&ĐT, về Dự án nhà máy thép Guang Lian trong Khu kinh tế Dung Quất ở Quảng Ngãi. Dự án có vốn hơn 4,5 tỷ USD, do Tập đoàn E-United (Đài Loan) làm chủ đầu tư, nhưng chậm triển khai 8 năm so với kế hoạch.

Chiều 24/9, trao đổi với Tiền Phong, ông Trần Duy Đông cho biết: Theo Luật Đầu tư, từ năm 2005, nếu dự án nằm trong quy hoạch nhưng ngoài khu kinh tế do UBND các địa phương cấp phép; dự án nằm trong khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp do Ban quản lý KKT cấp phép. Trường hợp dự án nằm ngoài quy hoạch, địa phương phải xin chấp thuận của Chính phủ bổ sung quy hoạch.

Dự án nhà máy thép Guang Lian (Quảng Liên) nằm ngoài quy hoạch, nên phải được Chính phủ chấp thuận. Sau đó, các bộ ngành như: Bộ Công Thương, Tài chính, KH&ĐT, TN&MT… cho ý kiến góp ý và Ban quản lý KKT Dung Quất cấp phép.

Dự án thép 4,5 tỷ USD nếu cứ trì hoãn là không chấp nhận - 1

Dự án thép 4,5 tỷ USD nếu cứ trì hoãn là không chấp nhận - 2

Dự án thép Quảng Liên vẫn “đắp chiếu”

Thưa ông, trước đây và hiện nay, việc thẩm định năng lực tài chính nhà đầu tư được thực hiện ra sao khi cấp phép đầu tư?

Trước năm 2005 (thời điểm Luật Đầu tư sửa đổi có hiệu lực), có thẩm định năng lực nhà đầu tư, nhưng với nhà đầu tư nước ngoài thực chất chưa kiểm tra được. Sau khi luật mới có hiệu lực, nhà đầu tư tự khai năng lực tài chính và tự chịu trách nhiệm, nên khó thẩm định. Ta chỉ ràng buộc họ bằng cam kết tiến độ đầu tư, nếu quá 1 năm tiến độ không đạt như cam kết, cơ quan quản lý có thể rút giấy phép đầu tư.

Quy định 1 năm chậm triển khai sẽ bị rút giấy phép, nhưng tới nay 8 năm Dự án nhà máy thép Guang Lian vẫn không bị rút giấy phép?

Năm 2012, Tập đoàn E-United liên doanh với Tập đoàn thép JFE (Nhật Bản), xin lùi triển khai để JFE nghiên cứu dự án, Chính phủ đã đồng ý. Sau đó, JFE xin tăng công suất dự án từ 5 triệu tấn/năm lên 7 triệu tấn/năm, tăng vốn lên 4,5 tỷ USD, và xin một số ưu đãi khác. Tuy nhiên, sau 2 năm nghiên cứu, tháng 10/2013, JFE xin rút khỏi liên doanh do thị trường thép ảm đạm, giá thép giảm.

Không phải cứ trình xin hoãn là được, vì dự án đã lùi nhiều quá. Ta cũng có thể thông cảm cho nhà đầu tư vì khó khăn kinh tế, nhưng nếu cứ trì hoãn tới năm 2015 rồi 2016 là không chấp nhận được.

Vụ trưởng vụ quản lý các khu kinh tế (Bộ KH&ĐT) ông Trần Duy Đông

Chính phủ đã giao Bộ KH&ĐT cùng tỉnh Quảng Ngãi và Ban quản lý KKT Dung Quất làm việc cụ thể với chủ đầu tư là E-United (JFE đã rút, nên trách nhiệm thực hiện dự án thuộc về E-United - đơn vị được cấp phép đầu tư). Chúng tôi đã yêu cầu E-United có phương án cụ thể, làm tiếp hay dừng, tự triển khai hay kêu gọi thêm nhà đầu tư khác… Dự án đã lùi quá lâu, giờ phải quyết liệt. Cách đây ít hôm, tôi chủ trì họp với tỉnh Quảng Ngãi và E-United, đã yêu cầu họ cuối tháng này trình phương án cụ thể lên Bộ KH&ĐT. Sau đó, Bộ sẽ báo cáo Chính phủ, xin ý kiến cho làm nữa hay không; nếu làm sẽ kéo dài tới bao giờ, hoặc rút giấy phép…

Tập đoàn E-United lại muốn xin lùi triển khai tới tháng 9/2015, ông nghĩ sao về đề xuất này?

Không phải cứ trình xin hoãn là được, vì dự án đã lùi nhiều quá. Ta cũng có thể thông cảm cho nhà đầu tư vì khó khăn kinh tế, nhưng nếu cứ trì hoãn tới năm 2015 rồi 2016 là không chấp nhận được. Giờ phải đợi họ (E-United) có văn bản chính thức, kế hoạch thực hiện ra sao, có khả thi không mới quyết định. Ngoài ra, đồng ý cho hoãn dự án hay không sẽ phải có cả ý kiến của Bộ Công Thương.

E-United nói rằng, họ đã đầu tư vào dự án 30-40 triệu USD, nếu rút giấy phép, chúng ta có phải đền bù khoản tiền này hay không?

Số tiền họ đã đầu tư vào dự án bao nhiêu phải đợi Ban quản lý KKT Dung Quất báo cáo, hiện mới chỉ là nhà đầu tư nói vậy. Nếu rút giấy phép, việc đền bù hay không, phải theo quy định.

Cảm ơn ông.