Xuất khẩu thủy sản sang Mỹ giảm mạnh do… trời
Theo số liệu sơ bộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm ước đạt 907 triệu USD, giảm 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, xuất khẩu sang Mỹ - thị trường tiêu thụ thủy sản lớn nhất của Việt Nam – chỉ đạt gần 90 triệu USD trong tháng 1/2015, giảm mạnh gần 37% so với cùng kỳ năm trước.
Trao đổi với phóng viên Người Đồng Hành, ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) - cho biết, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ giảm mạnh trong tháng đầu năm do một số nguyên nhân.
Thứ nhất, nhu cầu tại Mỹ đang điều chỉnh trở lại. Tháng 1 năm trước Mỹ mua nhiều nhưng tháng 1 năm nay họ mua ít hơn. Nguyên nhân năm ngoái Mỹ mua nhiều một phần là do sợ khan hiếm hàng do vấn đề dịch bệnh tôm chết sớm, xuất khẩu của Thái Lan giảm, nên họ đã tăng cường mua mạnh vào cuối năm 2013 và đầu năm 2014 để có đủ lượng hàng bán. Năm nay họ lại giảm lượng mua đi.
Thứ hai là lượng hàng tồn kho của Mỹ trong năm vừa rồi cũng khá nhiều, nên đầu năm họ cũng chững lại để xem vấn đề tiêu thụ như thế nào sau đó họ mới quyết định mua tiếp.
Một nguyên nhân nổi bật nữa khiến xuất khẩu giảm khá mạnh là do điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Trong tháng 1 và tháng 2 năm nay, thời tiết tại Mỹ lạnh kỷ lục, khiến nhiều người ngại ra đường và đi mua sắm, nên hàng hóa khó tiêu thụ.
Báo cáo mới nhất của Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 12/3 cho thấy doanh số bán lẻ của nước này trong tháng 2 giảm 0,6%, ghi nhận tháng giảm thứ ba liên tiếp, một phần là do thời tiết lạnh.
Tác động từ đồng Euro giảm giá
Trong khi xuất khẩu sang thị trường lớn nhất là Mỹ giảm do yếu tố thời tiết, thì xuất khẩu sang 2 thị trường lớn tiếp theo là Châu Âu và Nhật Bản lại cũng giảm do vấn đề tỷ giá.
Đồng Euro tuần qua giảm mạnh và đã xuống mức thấp nhất trong 12 năm là dưới 1,105 USD/Euro vào ngày 12/3. Đồng Euro đã giảm 12% so với đồng bạc xanh kể từ đầu năm nay do Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) thực hiện chương trình mua trái phiếu, trong khi ngân hàng trung ương Mỹ lại được dự đoán đang chuẩn bị tăng lãi suất.
Theo ông Trương Đình Hòe, vì Châu Âu là 1 trong số 3 thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam nên chắc chắn các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam bị ảnh hưởng bởi việc đồng Euro rớt giá khi quy đổi ra USD.
Vị tổng thư ký Vasep cho biết hiện nay gần 90% các giao dịch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam là tính trên đồng USD, nên bất kỳ thay đổi nào về tỷ giá đều sẽ ảnh hưởng.
Không chỉ có Euro, việc đồng Yên cũng đang giảm giá xuống mức thấp nhất trong năm do chính sách nới lỏng tiền tệ của Nhật Bản chắc chắn cũng sẽ gây bất lợi cho doanh số xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường này khi quy đổi ra đồng USD.
Số liệu tháng 1 cho thấy xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản đạt hơn 75 triệu USD, giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước.
Một tương lai khó dự báo, nhưng có vẻ tích cực
Được hỏi về kỳ vọng cho những tháng tiếp theo, ông Trương Đình Hòe cho rằng cũng khó dự báo cho xuất khẩu thủy sản hiện nay.
Việc Bộ Thương mại Mỹ giảm thuế chống bán phá giá đối với các doanh nghiệp Việt Nam gần đây mới chỉ là quyết định sơ bộ, chưa có tác động trực tiếp đến vấn đề mua bán. Dù phải chờ đến tháng 7 mới có quyết định cuối cùng, nhưng ông Hòe cho rằng nó cũng tạo ra tâm lý yên tâm hơn và cũng tạo kỳ vọng hơn cho tương lai.
Ông cho biết các doanh nghiệp đang kỳ vọng sau hội nghị Boston, khi các nhà xuất khẩu và nhập khẩu gặp nhau và trao đổi, thì thị trường sẽ bắt đầu khởi sắc trở lại.
“Dù muốn dù không, mọi người vẫn đánh giá nhu cầu thực phẩm, đặc biệt là với thủy sản, vẫn đang trong chiều hướng gia tăng, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế Mỹ đang phục hồi, các nước khác nói chung tình hình khó khăn về kinh tế đã tương đối ổn định lại hơn,” ông Hòe nhận định, cho rằng nguồn cung của Việt Nam tương đối ổn định cũng là một chọn lựa đối với các nhà nhập khẩu.
Được hỏi liệu Vasep có điều chỉnh mục tiêu xuất khẩu thủy sản cho năm nay, hiện đặt ra ở mức 8 tỷ USD, ông Hòe cho biết phải chờ cho đến tháng 3 xem xu hướng như thế nào, từ đó VASEP mới xem xét có điều chỉnh hay không.