Đồng bằng sông Cửu Long: Cá tra chết trắng, người nuôi bị dồn vào chân tường

Đồng bằng sông Cửu Long: Cá tra chết trắng, người nuôi bị dồn vào chân tường

Chết liên tục, chết kéo dài bất chấp các loại thuốc và sự can thiệp của các “thầy thuốc”, thậm chí nhiều ao nuôi bị chết hoàn toàn.

Tình trạng cá tra chết kỷ lục này đã và đang dồn đẩy nông dân ĐBSCL vào thế chân tường khi theo dự báo khả năng tăng giá bán trong năm 2015 cũng là rất nhỏ.

Cá chết... kỷ lục

"Từ lúc mới thả nuôi (kích cỡ 2 phân) đến nay đạt trọng lượng 500gr/kg, chưa có ngày nào không có cá chết" - dẫn tôi ra nơi cá chết nổi trắng cả góc ao nuôi, Nguyễn Văn Tưởng (ấp Khánh Lợi, xã Khánh Hòa - Châu Phú - An Giang) trút tâm sự: "Dù lượng cá hao hụt hơn 50% nhưng chưa có dấu hiệu dừng". Chỉ một loáng, ông Phạm Văn Đức làm nghề thu gom cá chết vớt được một giỏ đầy xác cá nặng đến gần 20kg. Tuy nhiên theo ông Đức như thế là quá ít, vì có hôm lên đến 50-70kg.

Không phải do ông Tưởng yếu tay nghề, hay không "biết chuyện". Sau khi vận dụng kinh nghiệm trên 20 năm gắn bó với nghề kết hợp với sự hỗ trợ của kỹ sư thủy sản địa phương không xong, ông rước cả "thầy" từ các công ty thuốc nổi tiếng về hỗ trợ. Dù đoán đúng bệnh "gan thận mủ", "phù đầu"… và kê đơn thuốc đặc trị, nhưng chỉ sau vài ngày tạm ngừng, cá lại đua nhau chết.

Ông Nguyễn Hữu Nguyên - Chủ nhiệm HTX thủy sản Châu Phú (huyện Châu Phú) - xác nhận: "Cá tra chết liên tục và phổ biến khắp huyện với tỉ lệ cá chết lên đến trên 50%". Ngoài An Giang, nạn cá tra chết cũng đang "tàn phá" người nuôi ở các tỉnh ĐBSCL. Ông Bửu Huy, một người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra, xác nhận: "Ở Đồng Tháp, nạn cá tra chết khá phổ biến, thậm chí có hộ bị chết hoàn toàn".

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản An Giang Lê Chí Bình: "Cá chết hàng loạt cơ bản là do sốc thời tiết. Đêm lạnh, ngày nắng nóng, sự mất cân đối này khiến sức khỏe của cá bị suy giảm, là điều kiện để các loại dịch bệnh tấn công". Trong đó, có nhiều bệnh do vi khuẩn, virus mà đến nay hiệu quả điều trị vẫn đang là dấu hỏi lớn.

Tuy nhiên theo nhiều nhà khoa học, thời tiết chỉ là "giọt nước tràn ly" của sự "quá tải những bất cập" có mặt xuyên suốt quá trình chăn nuôi con cá tra. Tuy đạt những thành tựu nhất định, nhưng thực tế cho thấy, nghề nuôi cá tra ở ĐBSCL đang có khoảng cách với quy trình chăn nuôi khoa học.

Th.S Vương Học Vinh - Trưởng bộ môn Thủy sản (ĐH An Giang) - chia sẻ: "Không chỉ có thói quen sử dụng con giống trôi nổi với giá rẻ, khiến sức khỏe cá bị yếu ngay khi bắt đầu thả nuôi. Phần lớn người nuôi còn không bố trí ao lắng, lọc mà trực tiếp xả ra - lấy vào từ nguồn nước mặt trên các kênh, sông và hệ lụy là người này xả thải ra để người kia lấy vào ao mình và ngược lại nên vô tình "rước" mầm bệnh có sẵn trong nguồn nước vào ao nuôi".

Nguy cơ thua lỗ lớn

Theo tính toán của ông Tưởng, dù còn 2 tháng nữa mới đến kỳ thu hoạch, nhưng đến nay số tiền "thuốc thang" cho cá tăng tới 3-5 lần so với cả vụ trước và con số này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Điều này cho thấy, giá thành chăn nuôi cá tra sẽ tăng nhiều so với vụ trước, nhưng khả năng bán với giá cao để thu ngắn thiệt hại lại đang rất thấp. Bởi do chịu tác động chung, tỉ lệ phát triển của đàn cá chậm lại, tức vượt qua ngưỡng tiêu tốn thức ăn 1,6 - 1 (1,6kg thức ăn cho ra 1kg cá nguyên liệu).

Vì vậy theo ông Nguyên, nếu giá thu mua không tăng hơn mức hiện nay là 23.000 - 23.500đ/kg, người nuôi sẽ thua lỗ. Theo dự báo, khả năng cá tăng giá lại rất nhỏ.

Ông Bửu Huy chia sẻ: "Trong bối cảnh khủng hoảng như hiện nay, các quốc gia nhập khẩu đang gia tăng hàng rào kỹ thuật, hàng rào thương mại để bảo hộ hàng trong nước. Mặt khác, thực tế 10 năm qua cho thấy, giá bán lẻ cá tra ở các quốc gia nhập khẩu không tăng. Trong khi đó do nhiều nguyên nhân, trong đó cơ bản là do cạnh tranh thiếu lành mạnh ngay trong "nội bộ", giá bán buôn của các doanh nghiệp xuất khẩu lại liên tục giảm…".