Đón làn sóng đầu tư Hàn Quốc

Các “ông lớn” như Samsung, LG, Lotte, E-mart cùng hàng ngàn doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động tại Việt Nam đang có xu hướng tăng mạnh vốn đầu tư.

Phóng viên: Từ đầu năm đến nay, Hàn Quốc là quốc gia dẫn đầu về đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 3,13 tỉ USD, ông nhận xét gì về điều này?

- Ông Hong Sun, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham): Với xu thế phát triển của hàng loạt quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đang là một trong những nước có tiềm năng vô cùng lớn và được dự đoán sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong tương lai. Gần đây, Việt Nam tiếp tục nhận được sự đầu tư từ các nước phát triển trong khu vực. Đặc biệt, Hàn Quốc đã rót lượng vốn đầu tư khổng lồ và trở thành nhà đầu tư lớn thứ hai tại Việt Nam. Điều này cho thấy Việt Nam là thị trường hấp dẫn, đầy tiềm năng trong mắt các nhà đầu tư Hàn Quốc.

Đón làn sóng đầu tư Hàn Quốc - 1

Nhà máy sản xuất điện thoại di động của Tập đoàn Samsung ở Việt Nam Ảnh: HÀ MINH

Theo số liệu của Korcham, hiện có hơn 3.300 doanh nghiệp (DN) Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam và xu hướng này sẽ tiếp tục tăng. Trong đó, vai trò của các tập đoàn lớn như Samsung, LG, Lotte, E-mart, SK, Posco… là rất quan trọng. Kéo theo đó là hàng trăm DN phụ trợ, hứa hẹn giúp Việt Nam hình thành một môi trường kinh tế chuyên nghiệp và phát triển.

Cái gì cũng có 2 mặt. Khi gia tăng đầu tư ở Việt Nam bằng dự án hơn 1 tỉ USD tại tỉnh Bắc Ninh, chắc chắn Samsung  đã tính đến những lợi thế khi làm ăn ở Việt Nam?

- Không chỉ Samsung, ngay cả LG cũng đang xúc tiến mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Để những “ông lớn” này có thể phát triển tốt, chắc chắn phải đi kèm theo đó là hàng trăm DN vừa và nhỏ cung cấp phụ trợ. Điều này cho thấy cần phải hoan nghênh sự đầu tư lớn của các tập đoàn Hàn Quốc vì họ sẽ tạo nên sự phát triển trong khu vực, đưa nền kinh tế của đất nước đó đi lên.

Ngược lại, khi các tập đoàn lớn như Samsung, LG, Lotte, CJ, JK, Posco… đầu tư vào một quốc gia, họ không chỉ suy nghĩ về mặt lợi ích mà kèm theo đó là nhiều ảnh hưởng khác như giá thành lao động, mức thuế suất… để tạo sức cạnh tranh cho mình về giá cả và chất lượng. Thực tế, mức thù lao cho nhân công Việt Nam đang thấp hơn Trung Quốc; thuế suất của Việt Nam lại rất phù hợp với nhu cầu và chính sách của DN nên Samsung đã lựa chọn Việt Nam là đất nước để họ rót vào những nguồn đầu tư lớn.

Chuyện phát triển công nghiệp phụ trợ đang rất được quan tâm ở Việt Nam. Hàn Quốc cũng từng có thời kỳ tương tự. Bài học mà Việt Nam có thể làm để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ là gì, thưa ông?

- Phát triển công nghiệp phụ trợ là một trong những lĩnh vực quan trọng nhất để phát triển một lĩnh vực chuyên sâu nào đó. Vì lẽ đó, chính phủ Hàn Quốc luôn tạo điều kiện và có nhiều chính sách ưu đãi dành cho các DN phụ trợ.

Có một thực tế là ngành công nghiệp phụ trợ cũng cần các ưu đãi về thuế, phối hợp và hợp tác với các trung tâm nghiên cứu của nhà nước. Do đó, nhà nước cần quan tâm đầu tư phát triển mạnh hơn ở lĩnh vực này để cung cấp cho các DN lớn khác, vốn là một trong những tiêu chuẩn mấu chốt khi các tập đoàn này muốn rót vốn vào Việt Nam.

Các DN Hàn Quốc có kiến nghị gì để hoạt động đầu tư được hiệu quả và đóng góp nhiều hơn trong việc phát triển kinh tế Việt Nam?

- Những năm gần đây, DN Hàn Quốc luôn mong muốn Chính phủ Việt Nam hỗ trợ trong việc xử lý nhanh chóng các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho DN 2 nước đầu tư phát triển. Tôi thấy Việt Nam đang nỗ lực đơn giản hóa thủ tục hành chính nhưng chính sách phải nhất quán từ trung ương tới địa phương để thu hút nhiều hơn nữa các nguồn đầu tư nước ngoài, mang lại hiệu quả kinh tế tối đa cho 2 đất nước vốn đã có nhiều điểm tương đồng về văn hóa. 

Phải thay đổi để hòa nhập

Từ trước đến nay, lĩnh vực sản xuất, lắp ráp là tối quan trọng để phát triển kinh tế đối với Hàn Quốc. “Cách đây nhiều năm, đất nước chúng tôi cũng giống Việt Nam hiện nay, đó là tập trung sản xuất công nghiệp nhẹ như giày da, túi xách, giày dép… Để theo kịp xu thế thế giới, Hàn Quốc đã và đang đầu tư mạnh vào các ngành công nghiệp hiện đại như sản xuất điện thoại thông minh, kinh doanh giải trí, các nhà máy lọc dầu, đóng tàu, sản xuất ô tô… Việt Nam cũng nên hòa nhập xu thế này” - ông Hong Sun nói.