Ngành sợi Việt Nam gặp khó khăn bởi việc bán phá giá sợi của các đại gia nước ngoài. Ảnh minh họa
Cụ thể, Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam vừa nhận được kiến nghị của một số doanh nghiệp hội viên về việc tiến hành các thủ tục khởi kiện chống bán phá giá các mặt hàng sợi filament mã HS 5402.33 và 5402.47 nhập khẩu từ Thái Lan, Maylasia, Ấn Độ, Trung Quốc…
Chính vì vậy, để đòi lại quyền lợi cho các doanh nghiệp sợi, Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam kiến nghị lên Thủ tướng Chính Phủ, Bộ Công Thương những vấn đề như sau:
Thứ nhất, dệt may là ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, giải quyết công ăn việc làm cho hàng triệu lao động, đóng góp 24,4 tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước năm 2015. Cùng với sự phát triển của ngành dệt may, ngành kéo sợi Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc với số cọc sợi tăng lên trên 7 triệu cọc, năng lực sản xuất gia tăng, nâng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này lên mức 2,53 tỷ USD tăng 17,7% so với cùng kì năm 2013, đóng góp lớn vào thành tích xuất khẩu của cả nước.
Thứ hai, việc phát triển ngành sản xuất sợi là một phần quan trọng cho lời giải cho vấn đề "thắt nút cổ chai” của chuỗi cung ứng dệt may Việt Nam. Trong bối cảnh Việt Nam đang cơ bản hoàn tất đàm phán và tiến tới kí kết các Hiệp định thương mại tự do FTA (EVFFTA, VKFTA, VCUFTA), hiệp định TPP, triển vọng xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam sẽ ngày càng khả quan với nhiều ưu đãi thuế quan rất lớn.
Tuy nhiên, biến cơ hội thành hiện thực đòi hỏi hàng dệt may Việt Nam phải đáp ứng được những quy tắc xuất xứ rất nghiêm ngặt, như từ "kéo sợi trở đi” của TPP, hay hàm lượng xuất khẩu nội khối của EU. Điều này đồng nghĩa Việt Nam phải phát triển được các ngành sản xuất nguyên phụ liệu cho dệt may, trong đó có ngành sợi. Đây cũng là định hướng lớn của Đảng và Chính Phủ trong việc tăng cường tỷ lệ nội địa hoá và giảm lượng giá trị gia tăng cho sản phẩm dệt may.
Thứ ba, theo phản ánh của các doanh nghiệp và thông tin mà Hiệp hội nắm được, hiện nay tồn tại hiện tượng bán phá giá đối với các mặt hàng sợi filament khi nhập khẩu vào Việt Nam với mã hàng 5402.33 và 5402/47 từ một số quốc gia như Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, Maylaysia, Đài Loan,…
Đây là những sản phẩm mà doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể sản xuất đủ và đáp ứng nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, chính sự cạnh tranh, chèn ép không công bằng này đã và đang khiến các doanh nghiệp sản xuất sợi trong nước gặp khó khăn, đôi khi phải bán dưới giá thành sản xuất, bán lỗ để giữ thị phần trong nước.
Hiệp hội Bông sợi nhận định nếu tình hình này kéo dài chắc chắn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự tồn vong của các nhà sản xuất Việt Nam.
Thứ tư, về giá thành, giá sản xuất của các doanh nghiệp trong nước dao động từ 1,78 USD/kg đến 1,98 USD/kg. Việc đương đầu với tình trạng bán phá giá không công bằng, không lành mạnh là quá sức chịu đựng của doanh nghiệp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tồn tại và phát triển doanh nghiệp, ngành, và rộng hơn là làm triệt tiêu lợi ích kinh tế đem lại lợi ích từ việc Việt Nam tham dự các FTA.
Thứ năm, theo nhận định của Hiệp hội Bông Sợi, tình trạng phá giá trên cần được ngăn chặn sớm để lập lại môi trường cạnh tranh sòng phẳng, công bằng giữa các doanh nghiệp, trong nước mới có thể nâng cao lợi thế cạnh tranh và giá trị gia tăng sản phẩm may mặc xuất khẩu của Việt Nam.
Từ các nhận định trên, Hiệp hội Bông sợi đề nghị Thủ tướng, Bộ Công Thương, Cục quản lý Cạnh tranh chỉ đạo khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với các loại sợi filament nhập khẩu.
>>>Bài 3: "Việt Nam sẽ trở thành cường quốc về dệt may"