Xe tải nặng nhập khẩu từ Trung Quốc trưng bày tại Công ty Phú Cường (huyện Bình Chánh, TP.HCM) - Ảnh: L.Nam |
Hiện tường nhập ồ ạtdo thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc thấp hơn nhập linh kiện về lắp ráp.
Chỉ trong tháng 1-2015, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, lượng ôtô tải nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam gần gấp hai lần cùng kỳ năm ngoái.
Các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp trong nước cho biết đang đối mặt với nguy cơ cạnh tranh không cân sức, do nhiều doanh nghiệp tập trung nhập ôtô nguyên chiếc về bán, thay vì đầu tư dây chuyền sản xuất lắp ráp ôtô.
Bung ra kinh doanhxe tải nhập khẩu
Chiều 14-3, sau một thời gian dài khảo sát, anh Lê Trọng Nghĩa (huyện Hòa Thành, Tây Ninh) đã quyết định đặt cọc và làm các thủ tục cần thiết mua đầu xe tải hiệu Dongfeng trọng tải 19,5 tấn nhập khẩu từ Trung Quốc với giá gần 1,1 tỉ đồng để chở nông sản.
Gặp chúng tôi ở bãi xe Công ty ôtô Phú Cường (thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP.HCM), anh Nghĩa cho biết đang sở hữu một xe thương hiệu Nhật Bản cùng tải trọng được lắp ráp trong nước, nhưng do nhu cầu vận chuyển hàng nông sản gia tăng mạnh nên phải đầu tư thêm.
“Tôi đã nghiên cứu 3-4 tháng nay, giờ quyết định vay ngân hàng với lãi suất 0,9%/tháng để mua chiếc xe này vì giá rẻ hơn nhiều so với xe Nhật” - anh Nghĩa cho biết.
Ông Trần Trung Thanh, giám đốc Công ty ôtô Phú Cường, cho biết mới thuê khuôn viên hơn 2.000m2 nhà xưởng ở huyện Bình Chánh được gần hai tháng để bán xe tải các loại. Đây là địa chỉ bán xe tải thứ ba ở TP.HCM của công ty, hai nơi còn lại rộng hơn 3.000m2.
Theo ông Thanh, trung bình mỗi tháng công ty bán ít nhất 30 xe tải các loại, trong đó các dòng xe nhập khẩu từ Trung Quốc là chủ yếu. Quan sát ở bãi xe huyện Bình Chánh, chúng tôi thấy có đến tám trong mười đầu xe tải dàn hàng ngang phía trước phòng trưng bày này là xe tải Trung Quốc với các nhãn hiệu Dongfeng, JAC, Howo...
Cách đó không xa là bãi đầy xe đầu kéo, xe ben Trung Quốc với hơn 40 xe tải nặng của Công ty Hoàng Hiệp (xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh). Ông Vũ Đình Thắng, tổng giám đốc công ty, cho biết bãi xe chuyên bán các loại đầu xe kéo Dongfeng và Howo này mới mở được vài ngày nên nền đất được đổ đá hộc to đùng vẫn chưa được lu cho bằng phẳng.
Theo các doanh nghiệp chuyên nhập khẩu ôtô tải Trung Quốc, nhu cầu mua của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đang ngày càng gia tăng kéo theo số lượng công ty nhập khẩu kinh doanh các loại xe tải ngày càng nhiều.
“Bây giờ kiếm mặt bằng ở Q.Thủ Đức, Q.12... rất khó vì đã có quá nhiều cửa hàng bán xe tải loại này, muốn có cơ hội kinh doanh giờ chỉ còn chuyển xuống Bình Chánh đang là lựa chọn đúng nhất” -ông Thanh cho biết.
Xe Trung Quốc giá rẻ
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết trong tháng 1-2015, các doanh nghiệp Việt Nam đã nhập khẩu gần 1.680 xe các loại từ Trung Quốc, gấp 5,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó có 495 xe tải nguyên chiếc, gấp 1,9 lần cùng kỳ năm ngoái và chiếm 22,7% lượng ôtô tải nhập khẩu của cả nước.
Nhiều doanh nghiệp nhập khẩu ôtô cho biết sở dĩ lượng xe nhập khẩu Trung Quốc tăng cao do trong nước không đáp ứng đủ. Giá xe nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ bằng 2/3 giá các loại xe từ ASEAN, châu Âu, trong khi chỉ cần 3-4 năm đã hoàn vốn. Vào thời điểm tháng 10-2014, nhu cầu mua xe của các doanh nghiệp vận tải tăng đột ngột sau khi cơ quan quản lý nhà nước siết chặt tình trạngchở hàng quá tải.
Giám đốc một doanh nghiệp nhập khẩu ôtô Trung Quốc cho biết sau khi biết Chính phủ sẽ siết chặt việc kiểm tra xe quá tải, nhiều nhà nhập khẩu xe đã sang tận Trung Quốc yêu cầu nhà sản xuất lắp đặt lại cấu hình, đổi tải trọng xe cho nhẹ hơn phù hợp với quy định.
Chẳng hạn, trước đây xe bốn trục bánh xe được nhà sản xuất lắp động cơ 420-480 sức ngựa có thể chở đến 60 tấn hàng hóa, nhưng với quy định mới xe tải này chỉ còn chở được 17 tấn hàng. Doanh nghiệp nhập khẩu đã đặt nhà sản xuất lắp ráp động cơ khoảng 320 sức ngựa là vừa đủ và nhanh chóng đưa xe về Việt Nam bán với giá rẻ thêm 8-10% so với cùng thương hiệu nên xe Trung Quốc nhập khẩu lại càng sốt.
Các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô tải Trung Quốc dự báo năm nay tình hình kinh doanh ôtô tải nhập khẩu Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục tốt, tăng trưởng khoảng hai con số vì Chính phủ cương quyết kiểm soát tải trọng của các loại xe lưu thông trên đường trong khi kinh tế đã bắt đầu khá lên, nhu cầu vận chuyển hàng hóangày càng gia tăng.
Cuộc chiếnkhông cân sức
Ông Mai Phước Nghê, tổng giám đốc Công ty phân phối ôtô Trường Hải, cho biết trước đây một xe đầu kéo (loại ba trục) thêm rơmooc có thể kéo đến 60-80 tấn hàng hóa, nhưng nay loại xe này chỉ có thể chở tối đa 32 tấn, nên doanh nghiệp vận tải buộc phải mua thêm một xe nữa mới có thể chuyên chở hết hàng hóa của khách.
Trong khi đó, xe tải Trung Quốc nhập về đến Việt Nam rẻ hơn xe do Thaco sản xuất lắp ráp 5-15%, cho dù tỉ lệ nội địa hóa chi tiết các dòng xe tải do công ty sản xuất đã lên đến 30%, thậm chí có dòng xe lên đến 40%, nên nhiều người cũng chọn mua xe Trung Quốc để tiết kiệm chi phí.
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Ngọc Huyên - chủ tịch HĐQT Công ty CP ôtô Xuân Kiên (Vinaxuki), một trong những doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô tải - khẳng định ôtô tải Trung Quốc nhập khẩu trong thời gian tới sẽ còn tăng mạnh vì giá rẻ hơn xe sản xuất trong nước và bất cập lớn nhất chính là Việt Nam không có chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp phụ trợ.
“Việt Nam đang vận hành một quy trình ngược: các chính sách không hỗ trợ mà còn dập tắt khả năng phát triển của doanh nghiệp sản xuất trong nước” - ông Huyên nói.
Theo ông Huyên, doanh nghiệp sản xuất ôtô trong nước sẽ chết hàng loạt khi xe tải nặng nhập khẩu nguyên chiếc từ Trung Quốc có thuế suất bằng 0%, trong khi thuế nhập khẩu linh kiện lại là 24%.
Điều nghịch lý là những doanh nghiệp lắp ráp, sản xuất ôtô trong nước phải còn chịu thêm những chi phí như đầu tư dây chuyền sản xuất, đào tạo quản lý công nhân... “Các doanh nghiệp không cần đầu tư dây chuyền sản xuất lắp ráp làm gì nữa vì nhập khẩu nguyên chiếc sẽ lợi hơn” - ông Huyên nói.
Tuy nhiên, giám đốc phụ trách kỹ thuật một nhà sản xuất ôtô tải Việt Nam khuyến cáo công suất động cơ, hệ thống truyền động, nhíp, mâm, vỏ... của xe tải nhập khẩu nguyên chiếc của Trung Quốc thường không phù hợp khi vận hành trên đường Việt Nam.
Dù không chở hàng quá tải nhưng do đường sá Việt Nam có nhiều ổ gà, chất lượng xe lại không đảm bảo nên dễ dẫn đến hỏng hóc, phải thay thế nhiều chi tiết hơn so với xe lắp ráp, sản xuất trong nước. “Xe giá thành rẻ đồng nghĩa thu hồi vốn nhanh cho doanh nghiệp vận tải nhưng hệ thống điện tử, nhựa, đèn... của xe tải nhập khẩu nguyên chiếc từ Trung Quốc lại có thời gian sử dụng ngắn” - vị này khuyến cáo.
Bộ Tài chính: do giá chứ không phải thuế
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Tài chính cho rằng lượng ôtô Trung Quốc nhập vào Việt Nam tăng lên mạnh mẽ trong thời gian qua là do giá cạnh tranh chứ không phải do thuế.
Theo đó, thuế nhập khẩu của hầu hết sản phẩm ôtô nguyên chiếc từ thị trường này được cam kết giữ mức 50% (?).
Cũng theo vị này, số lượng loại ôtô nhập từ Trung Quốc có thuế nhập khẩu 0% chiếm tỉ lệ rất nhỏ. Việc đánh thuế nhập khẩu linh kiện ôtô nhập khẩu từ Trung Quốc cũng trên cơ sở cân nhắc nhiều yếu tố, trong đó ưu tiên cho những sản phẩm trong nước chưa sản xuất được.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng đang xem xét giảm thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ôtô nhập khẩu từ Trung Quốc nhanh hơn lộ trình đặt ra. Điều quan trọng cần cân nhắc là phải có đánh giá tổng thể tác động đến các ngành công nghiệp liên quan.
Chẳng hạn, nếu giảm thuế, các ngành công nghiệp phụ trợ cho sản xuất ôtô được lợi gì, ngân sách quốc gia được lợi gì...
L.THANH
Thuế làm khó ngành lắp ráp xe trong nước
Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính, Hiệp hội Cơ khí Việt Nam (VAMI) phản ảnh những bất cập trong chính sách thực hiện Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc, nhất là chính sách thuế với nhập khẩu ôtô tải.
Theo đó, sau khi so sánh mức thuế nhập khẩu ôtô tải nguyên chiếc với chi phí lắp ráp và thuế nhập khẩu bộ linh kiện rời (CKD) tại thông tư 166/2014 của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 1-1-2015, VAMI cho rằng thuế nhập khẩu ôtô tải nguyên chiếc hiện còn rất thấp so với nhập linh kiện, dẫn đến sự cạnh tranh không công bằng giữa các doanh nghiệp kinh doanh xe tải nhập nguyên chiếc với doanh nghiệp nhập linh kiện về lắp ráp.
Cụ thể, trong khi chi phí lắp ráp và thuế nhập khẩu đối với linh kiện ở mức 24%, thuế nhập khẩu một số chủng loại ôtô tải nguyên chiếc (từ 20 tấn trở lên) chỉ còn 10-20%, thậm chí thuế nhập khẩu đối với một số loại ôtô tải nguyên chiếc trên 45 tấn chỉ còn... 0%.
Theo bảng so sánh của VAMI, chi phí lắp ráp và thuế nhập khẩu linh kiện CKD của một số loại ôtô tải còn cao hơn 9-24% so với thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc.
Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước còn phải đầu tư dây chuyền sản xuất lắp ráp, chi phí quản lý và đào tạo nhân lực phục vụ sản xuất, chưa kể việc nhập khẩu bộ linh kiện rời thường cao hơn nhập khẩu ôtô nguyên chiếc.
Theo VAMI, do thuế nhập khẩu nguyên chiếc thấp hơn so với nhập dạng CKD, các doanh nghiệp có xu hướng chuyển sang nhập xe tải nguyên chiếc thay vì nhập khẩu linh kiện để lắp ráp, gây ảnh hưởng đến ngành chế tạo cơ khí, sản xuất và lắp ráp xe tải trong nước và thất thu nguồn thuế lớn cho Nhà nước.
Từ thực tế đó, VAMI kiến nghị Thủ tướng, Bộ Tài chính xem xét điều chỉnh mức thuế nhập khẩu giữa xe tải nhập nguyên chiếc và nhập linh kiện nhằm phát triển sản xuất trong nước, không thất thu thuế, đồng thời thực hiện nghiêm quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn năm 2035 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.
C.V.KÌNH