DOC dùng phương pháp mới trong vụ kiện tôm Việt Nam

Theo Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong đợt xem xét hành chính lần thứ 9 (POR9) về mức thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã áp dụng phương pháp mới trong lựa chọn bị đơn bắt buộc để làm căn cứ và cơ sở tính toán thuế.

Thay vì lựa chọn các công ty XK có giá trị XK lớn nhất làm bị đơn bắt buộc để làm căn cứ và cơ sở tính toán mức thuế chống bán phá giá trong các kỳ xem xét hành chính trước, trong lần xem xét hành chính này, DOC đã tiến hành phân loại DN Việt Nam thành 3 nhóm để quyết định bị đơn bắt buộc.

Cụ thể, nhóm I có 2 công ty chiếm 40% giá trị XK, nhóm II có 5 công ty chiếm hơn 20% giá trị XK và nhóm III là các công ty còn lại. Sau đó, máy tính sẽ tiến hành lựa chọn ngẫu nhiên từ mỗi nhóm ra 1 DN.

Vào 11h đêm ngày 3-10-2014 theo giờ Việt Nam, DOC Hoa Kỳ đã chính thức công bố tên các DN bị đơn bắt buộc này gồm Công ty CP Tập đoàn Thủy Hải sản Minh Phú, Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (FIMEX) và Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (THUAN PHUOC CORP).

Một trong những điểm mới nữa trong kỳ xem xét POR9 này là DOC sẽ không cho phép bổ sung hồ sơ và số liệu sau khi đã công bố kết quả điều tra sơ bộ. Do đó, mọi tính toán và số liệu từ các bị đơn phải được cung cấp đầy đủ và chính xác ngay từ đầu.

Trước đó, ngày 19-9-2014, DOC đã công bố kết quả cuối thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam bán vào Hoa Kỳ cho đợt xem xét hành chính từ 1-2-2012 đến 31-1-2013 (POR8).

Theo đó, các công ty XK tôm Việt Nam bị áp mức thuế cao nhất từ trước đến nay. Trong đó Tập đoàn Thủy sản Minh Phú chịu mức thuế 4,98%, Công ty cổ phần Thủy sản Sóc Trăng (STAPIMEX) 9,75% và 30 công ty bị đơn khác 6,37%. Mức thuế chung cho toàn quốc là 25,76%.

Trước động thái này của Hoa Kỳ, VASEP đã quyết định gửi kháng kiện lên Tòa án Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (US ITC) về cách thức mà DOC tính toán và áp mức thuế chống bán phá giá con tôm Việt Nam một cách không công bằng và bất hợp lý.