Là "người khổng lồ" của thế giới khi dẫn đầu về xuất khẩu điều nhân, nhưng uy tín của các doanh nghiệp (DN) điều trong nước đang sụt giảm trầm trọng trên thị trường thế giới. Trong khi đó, những vụ bị "xù" hợp đồng lại đang ám ảnh các DN điều.
Đại diện một DN (xin giấu tên) cho biết: "Tôi mở L/C và ký với hợp đồng hàng trăm tấn điều thô với nhà cung cấp từ Benin. Khi giá điều tăng lên thì họ không giao hàng. Không có nguyên liệu để chế biến, chúng tôi không thể thực hiện hợp đồng đã ký với đối tác".
Theo thống kê của Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), hiện đã có hơn 30 trường hợp DN thuộc hiệp hội báo cáo bị "xù" hợp đồng. Kéo theo đó là cả khiếu nại của khách hàng nước ngoài đối với DN trong nước vì chậm giao hàng.
Có một thực tế khác là do không có nguyên liệu để chế biến, DN điều trong nước cũng sẽ "xù" hợp đồng xuất khẩu với các khách hàng.
Phó chủ tịch VINACAS Đặng Hoàng Giang thừa nhận: Năm 2008, riêng tại thị trường Anh, Thương vụ Việt Nam tại Anh cho biết có đến 38 công ty Việt Nam thuộc dạng "nợ khó đòi" với tổng số nợ lên đến 9,75 triệu USD".
"Tình hình càng xấu hơn khi hàng loạt hiệp hội thương mại nước ngoài lên tiếng phản đối và dọa kiện các DN điều Việt Nam, uy tín của ngành điều Việt Nam bị hoen ố từ ngày đó", theo ông Giang.
Dù là nạn nhân hay thủ phạm, nguyên nhân sâu xa là do chúng ta ngày càng phụ thuộc vào nguyên liệu điều nhập khẩu.
Cách đây 10 năm, các DN chỉ nhập khẩu 20 - 30% điều thô, 70 - 80% còn lại trong nước cung cấp thì đến nay tỷ lệ này đã đảo ngược với số lượng nhập khẩu từ châu Phi lên đến 650.000 tấn mỗi năm.
Ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Long Sơn, cho biết thời điểm đầu năm giá điều loại W320 ở mức 3,25 USD/Lb (1 Lb = 0,45 kg), sau đó rớt xuống 3,15 USD/Lb, thậm chí có DN ký bán 3 USD/Lb.
Tuy nhiên, từ tháng 8 đến nay thì giá lên quá nhanh. Loại hàng W240 tăng lên 3,85 - 3,95 USD/Lb, loại W320 tăng lên 3,45 - 3,55 USD/Lb…
"Những DN đã ký hợp đồng giá thấp lỗ nặng. Công ty tôi cũng phải chấp nhận lỗ để thực hiện hợp đồng. Nhưng không nhiều DN dám hy sinh như vậy. Cứ lỗ là xù hợp đồng", ông Sơn nói.
Ông Lê Quang Luyến, Chủ tịch HĐTV Công ty Phúc An, cũng bày tỏ lo ngại khi ngành điều ngày càng phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, bỏ quên vùng nguyên liệu trong nước.
"Chúng ta nhập khẩu điều thô nguyên liệu từ châu Phi rất nhiều, nhưng cũng phải chạy theo họ về giá bán. Cả mua và bán DN đều bị động và lợi nhuận có được chủ yếu là do may rủi", ông Luyến trăn trở.
Công nghiệp chế biến hạt điều Việt Nam được xem là đã tạo được đột phá với 465 cơ sở với công suất thiết kế 1 triệu tấn/năm, xếp thứ hai thế giới sau Ấn Độ và dẫn đầu thế giới về xuất khẩu nhân điều liên tục trong 8 năm qua (từ 2006 - 2013).
Thế nhưng, tình trạng lệ thuộc nguyên liệu nhập khẩu, lệ thuộc vốn vay ngân hàng, lệ thuộc vào người mua và cả người bán, khiến lợi nhuận hết sức khiêm tốn.
Giám đốc một DN lâu năm tại Bình Phước thừa nhận: "Con số trên 2 tỉ USD xuất khẩu là rất lớn, nhưng lợi nhuận thật sự mà chúng tôi thu về trên doanh số này thì không đáng là bao. May mắn lắm thì được 10%, còn thì huề vốn, khi thua lỗ".
Đây là một thực tế buồn nếu nhìn vào "vóc dáng" của ngành điều trong bản đồ xuất khẩu của thế giới. Đó là "phận" DN, người trồng điều còn khổ hơn
Tính bình quân trong 6 năm (2006 - 2011), 1 ha điều ở khu vực duyên hải Nam Trung bộ thu nhập chỉ đạt 5,02 triệu đồng/năm, trừ chi phí người nông dân thu về chỉ được 1,39 triệu đồng/ha/năm, tương đương khoảng 100.000 đồng/tháng/ha.
Vùng Đông Nam bộ thu nhập 14,02 triệu đồng/ha/năm, lãi thu về được 9,41 triệu đồng/ha/năm và thấp hơn rất nhiều so với các loại cây trồng thay thế khác.
Thu nhập không đủ sống, nhiều nông dân đã phá bỏ cây điều để chuyển sang các loại cây khác. Nhiều DN từng là "ông lớn" của ngành điều trước đây như Công ty vật tư tổng hợp Phú Yên, Nitagrex (Ninh Thuận) cũng đã trở thành đơn vị gia công chế biến cho các DN nước ngoài.