Doanh nghiệp vật liệu xây dựng - đã qua cơn “nóng lạnh”?

Thị trường bất động sản (BĐS) có dấu hiệu ấm dần và những tín hiệu khả quan của nền kinh tế đã giúp thị trường vật liệu xây dựng (VLXD) có lượng tiêu thụ tăng.

Tăng trưởng nhẹ

Ngoại trừ những tháng bước vào mùa mưa, nhìn chung tình hình sản xuất, tiêu thụ của các DN ngành VLXD từ đầu năm đến nay đã có nhiều dấu hiệu khả quan do sức mua đã có sự chuyển biến, tăng nhẹ so với trước.

Đơn cử như mặt hàng xi măng, theo Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), 8 tháng đầu năm 2014 lượng xi măng tiêu thụ là 42,53 triệu tấn, bằng 108% so với cùng kỳ (trong đó tiêu thụ nội địa ước đạt 32,85 triệu tấn, bằng 107% và XK đạt 9,68 triệu tấn, bằng 109% so với cùng kỳ).

Dấu hiệu này cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế, sự ấm lên của thị trường BĐS đang dần tác động tích cực đến thị trường VLXD giúp các DN tăng sản lượng tiêu thụ, giảm tồn kho.

Trao đổi với Báo Hải quan, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết 8 tháng đầu năm 2014, sản xuất, tiêu thụ thép của các DN thuộc Hiệp hội có tăng trưởng tương đối khá so với 2013.

Cụ thể phân khúc thép xây dựng tăng trưởng lên mức 9% so với năm 2013. Một số phân khúc khác như tôn mạ màu tăng trưởng lên mức 30%, ống thép tăng hơn 20%... Tổng hợp toàn bộ ngành thép tăng trưởng khoảng 13-14%. Đây là một con số tương đối ấn tượng.

Ông Nguyễn Quang Minh, đại diện Công ty sản xuất thép Úc, một DN chuyên sản xuất thép xây dựng, cho biết: Hiện nay lượng sản phẩm bán ra đã tăng hơn, kéo theo doanh thu tăng lên so với năm trước. Từ đầu năm đến nay DN tiêu thụ được khoảng 190 ngàn tấn, trong khi đó con số này cùng kỳ năm 2013 là 170 ngàn tấn.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Bá Kiểm, chủ DN tư nhân chuyên sản xuất VLXD tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết: Từ đầu năm đến nay, các đại lý VLXD nói chung trong đó các đại lý truyền thống của DN đều tăng lượng nhập hàng.

"Trong năm 2014 các công trình lớn ít hơn nhưng chúng tôi lại có thị trường bán lẻ là các đại lý, các công trình nhỏ và tư nhân. Từ gần 3 năm nay chúng tôi đã quan tâm nhiều đến thị trường này nên hiện đây là kênh giúp chúng tôi đỡ khó khăn", ông Đào Hữu Hoài, Phó giám đốc Công ty TNHH Thương mại Việt Lâm cho hay.

Chưa thể lạc quan

Dù đồng tình cho rằng thị trường đang có những tín hiệu tích cực nhưng có nhiều ý kiến cho rằng các DN vẫn còn không ít khó khăn, các DN VLXD vẫn chưa thực sự qua cơn "nóng lạnh" để tăng trưởng ổn định.

Theo ông Đào Hữu Hoài, thị trường BĐS chưa thực sự ấm lại. Hiện nhà giá rẻ đang khởi sắc, nhưng khi các nhà đầu tư có động thái tăng giá hoặc thay đổi cơ cấu bán hàng là thị trường sẽ chậm lại. Và điều này sẽ lại ảnh hưởng đến tiêu thụ sản phẩm của DN .

"Về tác động lên các DN VLXD, cần chia thành 2 nhóm. Nhóm DN vật liệu thiết yếu như xi măng, thép, đá... sẽ có khả năng tiếp cận thị trường BĐS sớm khi thị trường ấm lại. Còn nhóm DN vật liệu hoàn thiện thường có độ trễ so với nhóm trên khoảng 1-2 năm. Tuy nhiên, khi muốn giải quyết hàng tồn kho thì DN trong 2 nhóm này sẽ có khó khăn riêng. Theo tôi nghĩ là hàng tồn kho sẽ còn phải rất lâu mới có thể giải phóng được", ông Hoài nhận định.

VLXD là ngành phụ thuộc nhiều vào thị trường BĐS nên việc thị trường BĐS chưa thực sự sôi động trở lại là khó khăn lớn nhất đối với các DN VLXD. Bên cạnh đó, các DN VLXD trong nước còn phải đối mặt với việc giá vật liệu tăng do chi phí đầu vào cao, phải cạnh tranh với các sản phẩm NK, chưa kể yếu tố thời tiết trong từng thời kỳ. Theo đánh giá, năm nay vẫn là một năm đầy khó khăn cho ngành VLXD.

"Hiện nay lượng tiêu thụ có tăng nhưng nhìn chung nhu cầu vẫn thấp, bên cạnh đó hàng của Trung Quốc cạnh tranh cũng gây ra những khó khăn cho các DN. Những năm trước chúng tôi có XK sang Úc, Singapore nhưng năm nay thì không, vì giá thành cao, khó cạnh tranh được với hàng Trung Quốc", ông Nguyễn Quang Minh cho hay.

Ông Trương Quốc Huy, Tổng giám đốc Công ty Xi măng Hoàng Mai cho biết, thị trường BĐS ấm lên sẽ tác động đến tình hình của các DN VLXD, nhưng phải là những DN VLXD ở những khu vực xây dựng phát triển sôi động. Hiện nay sản phẩm của công ty chủ yếu tiêu thụ ở khu vực miền Trung gồm các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, là khu vực thị trường BĐS ít sôi động, nên thời gian qua tình hình sản xuất tiêu thụ của Công ty tăng không đáng kể.

Mặc dù ghi nhận những tín hiệu tích cực của các DN thép trong nước, song ông Nguyễn Văn Sưa cũng nhận định, mức tăng trưởng do các yếu tố trong nước cũng chỉ ở mức độ nhất định. "Tăng trưởng của ngành thép năm nay cũng như một vài năm trước chủ yếu do chúng ta XK được một lượng tương đối lớn. Năm 2013 chúng ta XK 2,5 triệu tấn thép. 8 tháng đầu năm nay, theo ước tính của chúng tôi, lượng XK đạt khoảng hơn 3 triệu tấn", ông Sưa cho biết.

Như vậy, để thực sự thoát khỏi khó khăn và có tăng trưởng ổn định, các DN cần chú trọng xây dựng chiến lược tiêu thụ sản phẩm như XK, nâng cao chất lượng, hạ giá thành... Bên cạnh đó, Nhà nước cần có nhiều chính sách hỗ trợ DN, hỗ trợ thị trường BĐS một cách hiệu quả nhằm tạo đầu ra chắc chắn cho DN VLXD.