Doanh nghiệp vẫn còn mệt vì thủ tục

Điều này được thể hiện rõ tại hội nghị triển khai Luật Doanh nghiệp 2014 và Luật Đầu tư 2014 (có hiệu lực từ 1-7) trên diễn ra vào ngày hôm qua (25-6), do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) tổ chức.

Đại diện một công ty thắc mắc trường hợp xin điều chỉnh ngành nghề trong giấy chứng nhận đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài, nộp trước ngày 30-6 thì sẽ được giải quyết theo luật cũ hay Luật Doanh nghiệp (DN), Luật Đầu tư 2014 sắp áp dụng? Bởi lẽ có sự khác biệt cơ bản về quy trình, kết quả… giải quyết hồ sơ giữa luật mới và luật cũ.

Trả lời câu hỏi này, ông Quách Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ KH&ĐT), giải thích hiện có hai phương án giải quyết: Nộp trước ngày 1-7 thì cứ giải quyết theo quy định cũ hoặc giải quyết theo luật mới. “Bộ hiện đang… lấy ý kiến xem DN muốn nghiêng về phương án nào. Phương án mà chúng tôi muốn là hồ sơ dù nộp trước ngày 1-7 nhưng giải quyết sau ngày 1-7 thì áp dụng luật mới để giải quyết”.

 Doanh nghiệp vẫn còn mệt vì thủ tục - 1

Làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại Sở KH&ĐT TP.HCM. Ảnh: HTD

Cách lý giải của ông Tuấn lập tức bị DN phản ứng mạnh. Đại diện một công ty tư vấn luật nêu thực trạng: “Công ty tôi đã và đang làm rất nhiều hồ sơ, trong đó có hồ sơ làm 4-5 tháng rồi mà vẫn chưa được cơ quan chức năng giải quyết. Tôi kiến nghị cứ theo… luật cũ mà làm!”. Nhiều DN khác cũng không muốn áp dụng luật mới cho hồ sơ đã nộp mà cơ quan chức năng chưa giải quyết xong.

Cũng tại hội nghị này, nhiều DN phân vân về những vấn đề liên quan đến giấy tờ, thủ tục, biểu mẫu, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, đặc biệt là thủ tục bổ sung ngành nghề kinh doanh… khi áp dụng luật mới. Bởi theo Luật DN 2014 sắp thực thi, nếu thay đổi ngành nghề kinh doanh thì DN chỉ cần nộp thông báo (thông báo mở cửa hoạt động, thông báo tiến độ góp vốn...) cho Sở KH&ĐT.

Thế nhưng ông Quách Ngọc Tuấn cho hay không ít DN muốn được “xin phép” như quy định cũ. Bởi họ e ngại việc nộp thông báo thì không có văn bản “đáp trả” nào từ phía cơ quan đăng ký kinh doanh để làm bằng chứng chứng minh cho việc họ được bổ sung ngành nghề.

Ông Tuấn phân bua: “Chúng tôi cho rằng nên ủng hộ phương án thông báo tự động chứ không cần phải cấp giấy xác nhận gì cả. Có điều DN kiến nghị là cần loại giấy này thì ban soạn thảo chiều lòng!” - ông Tuấn nói.

Ở góc độ khác, ông Đinh Hồng Kỳ, đại diện Công ty Cổ phần Secoin, phản ánh có tình trạng thực thi quy định khác nhau ở từng tỉnh, thành. Ông dẫn chứng công ty xin đặt tên Secoin thì Sở KH&ĐT TP Hà Nội chấp thuận nhưng Sở KH&ĐT tỉnh Bình Dương không cho và bắt DN viết rời ra thành “Se Co In” để “đọc” được bằng tiếng Việt, không tách thì không cấp phép.

Ông Phan Đức Hiếu, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương), xác nhận Công ty Secoin phản ánh rất đúng về tình trạng các địa phương hiểu máy móc tên DN phải “viết” và “đọc” bằng tiếng Việt. “Luật DN 2014 đã bỏ quy định đọc được bằng tiếng Việt. Chỉ yêu cầu viết bằng chữ cái tiếng Việt, thêm các chữ cái F, J, W, Z” - ông Hiếu cho hay.